Bài giảng của Đức TGM. Stéphanô Nguyễn Như Thể, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Bổn Mạng Các Chị Cao Niên FMI (11.02.2015)

Tiệc Cưới Cana (Ga 2, 1-12) 1. Kính thưa Cộng Đoàn Theo phong tục Do thái, các gia đình thường dọn tiệc cưới suốt bảy ngày. Trình thuật Phúc...


Tiệc Cưới Cana (Ga 2, 1-12)

1. Kính thưa Cộng Đoàn

Theo phong tục Do thái, các gia đình thường dọn tiệc cưới suốt bảy ngày. Trình thuật Phúc âm về tiệc cưới Cana cho thấy nhà cưới gặp phải một điều bất ngờ, và nói được là hốt hoảng: tiệc cưới mới đến ngày thư ba mà đột xuất hết rượu. Có lẽ khách đến đông quá, ngoài dự liệu.

Nhà cưới rất lo lắng, không xoay sở kịp. Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ cũng đến dự tiệc, chắc là nhà cưới có họ hàng hoặc quen thân, nên mới mời các Đấng đến tham dự.

Trong tiệc cưới Cana, vai trò của Mẹ Maria tuy kín đáo, nhưng rất hữu hiệu. Mẹ đã nói nhỏ với con của mình: “Con ơi, họ hết rượu rồi”- Tuy câu trả lời của Chúa Giêsu có vẻ cứng cỏi, nhưng Mẹ Maria cứ tin chắc Con mình sẽ làm điều gì đó cho nhà cưới khỏi bẽ mặt, xấu hổ. Vì thế, Mẹ nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Qua bài trình thuật của thánh Gioan về tiệc cưới Cana, chúng ta thấy Mẹ Maria có một tâm hồn phụ nữ!

Đó là tâm hồn bén nhạy, tinh tế. Giữa đám khách đông đúc đang vui cười ăn uống rộn rã, chỉ một mình Mẹ Maria để ý đến nhà cưới và đọc được vẻ băn khoăn lo âu, và biết được lý do là vì vì hết rượu.

Mẹ còn can thiệp cách kín đáo, nhẹ nhàng. Mẹ nói với Chúa Giêsu một cách tế nhị, như một gợi ý, chứ không lấy tình mẫu tử mà gây áp lực: “Họ hết rượu rồi”.

Thường phụ nữ sống bằng trực giác nhiều hơn suy luận. Điểm mạnh của trực giác là giúp họ có lối ứng xử rất nhanh và khá chính xác trước những tình huống nhiều khi bất ngờ.

“Họ hết rượu rồi”, một lời nói xem như bàng quan, như một nhận xét, nhưng đôi mắt và cung giọng của Mẹ mang theo tất cả tình cảm, thấu cảm. Chúa Giêsu cũng cảm nhận được nỗi băn khoăn của Mẹ mình và của nhà cưới. Cho nên câu nói : “Họ hết rượu rồi” bây giờ trở thành  “Chúng ta hết rượu rồi”. Cảm nghe nỗi khổ tâm của người khác là nỗi khổ tâm của chính mình.

Câu chuyện kết thúc có hậu: nước lã trở thành rượu ngon hảo hạng làm thỏa mãn mọi người.

  1. Hôm nay là ngày quốc tế bệnh nhân làn thứ 23, được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập.

Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi một sứ điệp cho các bệnh nhân và cách riêng cho các người chăm sóc bệnh nhân với chủ đề lấy trong sách Gióp: “Tôi trở nên mắt cho kẻ mù lòa và trở nên chân cho  người què quặt” (G 29, 15)

Đức Giáo Hòang chỉ nói một câu với bệnh nhân: “Các bạn là những người đang bị đè nặng bởi bệnh tật và đang hiệp thông theo cách thế khác nhau với thân xác chịu đau khổ của Đức Kitô”. Nhưng ngài dành tất cả sứ điệp để nhắn gửi những người chăm sóc bệnh nhân.

Ngài nói: “Biết bao người Kitô hữu sống gần gũi vớicác bệnh nhân, với sự chăm sóc và trợ giúp trong việc giặt giũ, thay áo xống và giúp ăn uống. Việc phục vụ này, đặc biệt khi nó kéo dài, trở nên mệt mỏi và nặng nề. Thật là tương đối dễ dàng để giúp bệnh nhân một vài ngày, nhưng thật khó để chăm sóc một người hàng nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời, trong một số trường hợp khi người ấy không còn khả năng thể hiện lòng biết ơn nữa. Tuy nhiên đây là con đường lớn lao của sự thánh hóa. Trong những thời khắc khó khăn này, chúng ta có thể một cách đặc biệt nương tựa vào sự gần gũi của Chúa, và chúng ta trở thành những khí cụ hỗ trợ đặc biệt cho sứ mạng của Giáo hội…”

“Thời gian dành cho người bệnh là thời gian thánh. Đó là một cách thế ca tụng Thiên Chúa là Đấng làm cho chúng ta nên giống hình ảnh Con của Ngài, Đấng đã đến để phục vụ và hiến mạng sống cho muôn người” (Mt 20, 28)

Đức Giáo Hoàng nói: “Lòng bác ái cần có thời gian, thời gian để chăm sóc người bệnh và thời gian để thăm viếng họ…thế giới của chúng ta quên mất giá trị đặc biệt của thời gian dành để ở bên người bệnh, bởi vì chúng ta đang sống trong một tình trạng quay cuồng của những thứ phải làm, phải tạo ra. Chúng ta quên mất việc trao ban chính bản thân mình cách nhưng không, quan tâm chăm sóc những người khác…”.

  1. Hôm nay là ngày lễ Bổn mạng của các Chị cao tuổi, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

3_21_1323018826_65_1322881122-sunland-baobab-01 copy

Tuổi già là gánh nặng, nhưng cũng là phúc lành.

Trước tiên phải chấp nhận thực tế gánh nặng của tuổi già, không lãng tránh, không thi vị hóa. Tất cả đang xuống dốc: thân xác nặng nề, dễ té ngã- thêm vào đó là đau yếu bệnh tật. Mắt mờ, tai lãng, chân yếu, tay run, viết không thẳng hàng được…

Tinh thần nói chung là kém minh mẫn. Nhận định không còn chính xác, mạch lạc, quên trước, quên sau. Sức sáng tạo kém dần, khả năng tiếp thu cũng không còn nhanh nhẹn.

Dễ bị mặc cảm: mặc cảm thừa thải, vô dụng; mặc cảm bị đối xử vô ơn, khinh thường; mặc cảm không ai hiểu mình; mặc cảm bị coi là lạc hậu…

Càng ngày càng nhiều mất mát: mất người thân, mất bạn bè, mất hoạt động, mất tương quan, mất ảnh hưởng, mất tiếng tăm…

Gánh nặng tuổi già là điều tự nhiên. Nhưng con mắt đức tin cho thấy tuổi già là phúc lành, là quà tặng Chúa ban cho.

Cũng như thiên nhiên có tứ thời bát tiết: Xuân, hạ, thu, đông, thì đời người cũng trải qua các giai đoạn như thế: Tuổi trẻ, tuổi trung niên, tuổi già. Có thể sánh tuổi già với mùa thu là mùa kết trái, mùa gặt hái.

Người cao tuổi chú tâm đến những điều quan trọng, cốt yếu như cầu nguyện, hy sinh, sự sống đời đời…

Họ tiếp tục phát huy những giá trị tương thích với tuổi tác, như hiền lành và khiêm nhường, khôn ngoan, trầm tĩnh, điềm đạm, chín chắn, độ lượng, bao dung, nhìn nhận sự việc với đôi mắt nhân từ và cảm thông của những người đã từng trải.

Người cao tuổi là chứng tá của lòng thành tín của Chúa và lòng trung thành của mình, dù lắm khi bất trung.

Vì vậy, người cao tuổi chỉ cần sống đó, hiện hữu đó, hiện diện đó, như cây cao bóng cả phủ bóng trên cộng đoàn, như ký ức lâu dài của cộng đoàn, như lời nhắc nhở cộng đoàn.

vnp_buoi_canh_tram_trieu_4 copy

Cầu chúc các chị cao niên tiếp tục sinh nhiều hoa trái, như lời Thánh vịnh 91 ca ngợi: “Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết trái, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng Chúa thực là công minh, là núi đá cho tôi ẩn náu….để tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya”.  Amen.