Cuộc đời con trong cuộc đời Mẹ

Cuộc đời của chúng ta được tháp nhập vào cuộc đời của Mẹ, mỗi một biến cố trong đời Mẹ ảnh hưởng sâu đậm lên từng biến cố trong đời con, và mỗi biến cố của cuộc đời con luôn được soi sáng bằng những gợi hứng thiêng liêng từ cuộc đời Mẹ.


Bước theo sát Đức Kitô trong ơn gọi thánh hiến của một người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, khi chúng ta tuyên xưng lời cam kết thực hiện các Lời Khuyên Phúc Âm Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng phục trước sự chứng kiến của Hội Thánh và trong lòng gia đình của Hội dòng chính là lúc chúng ta được “sinh ra một lần nữa” trong Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh. Chúng ta được nuôi dưỡng và cho lớn lên bằng nguồn sống từ Linh Đạo, Đặc Sủng và Tinh thần của Hội dòng. Và kể từ giây phút thiêng liêng trọng đại của thời khắc tuyên khấn, chúng ta trở thành những người con thiêng liêng của Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta được Mẹ sinh ra và nuôi nấng bằng dòng sữa ngọt ngào trìu mến là chính tình thương và sự đồng hành của Mẹ qua sự hiện diện của mỗi chị em chúng ta trong Hội dòng. Và cũng từ chính giây phút ấy, cuộc đời của chúng ta được tháp nhập vào cuộc đời của Mẹ, mỗi một biến cố trong đời Mẹ ảnh hưởng sâu đậm lên từng biến cố trong đời con, và mỗi biến cố của cuộc đời con luôn được soi sáng bằng những gợi hứng thiêng liêng từ cuộc đời Mẹ.

Qua sự soi sáng của các trang Tin Mừng, chúng ta thấy được rằng cuộc đời của Đức Maria được diễn tả một cách đặc biệt bên cạnh Đấng Cứu Thế. Mẹ đã luôn cộng tác một cách đắc lực với Chúa Thánh Thần trong suốt cuộc đời với con Mẹ. Và đó cũng chính là cuộc đời của Mẹ. Chúa Thánh Thần luôn luôn song hành cùng Mẹ ngay từ giây phút đầu tiên của sự sống khi Mẹ được thụ thai trong lòng bà Thánh Anna, cho tới những giờ cuối cùng cho cuộc tử nạn của Chúa Giê su dưới chân Thập Giá. Và còn tiếp diễn khi Mẹ hiện diện giữa cộng đoàn Kitô hữu thời sơ khai, và hơn thế nữa Mẹ vẫn luôn cầu bàu che chở cho Giáo hội Lữ hành của chúng ta hôm nay.

Mang trong mình niềm tự hào là những người con gái riêng của Mẹ Vô Nhiễm, mỗi người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm khi đã nhận Mẹ làm mẫu mực và làm Mẹ riêng mình, cũng đã, đang và mãi luôn học theo gương của Mẹ mà để cho cuộc đời mình luôn tràn đầy ơn phúc, luôn tràn đầy Chúa Thánh Thần như cuộc đời của Mẹ mình. Và chính vì càng yêu mến Mẹ nhiều, mỗi người con của Mẹ càng muốn khám phá nhiều hơn về ơn gọi của Mẹ dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Để rồi những tìm hiểu và khám phá đó sẽ không dừng lại ngang những lý luận của lý trí, nhưng sẽ được chuyển đến những rung động của con tim và được diễn tả một cách sống động qua những hành động thiết thực của đôi tay trong cuộc sống hằng ngày.

Đặc ân Vô Nhiễm của Mẹ từ giây phút đầu thai và Đức khiết tịnh thánh hiến của người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

Để chuẩn bị cho công trình của Chúa Cứu Thế, Thiên Chúa đã chọn một người nữ để cung lòng của người ấy được diễm phúc làm Cung Thánh của Chúa Thánh Thần hầu cưu mang và sinh hạ Ngôi Hai Thiên Chúa. Đặc Ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là trân châu bảo ngọc, là trang sức vô giá tuyệt vời mà Thiên Chúa đã tặng ban một cách nhưng không cho Đức Trinh Nữ Maria. Trong Hiến Chế Lumen Gentium số 56, Công Đồng Vaticanô II đã xác định rằng: “Do đó không có lạ gì, nếu các Thánh Giáo Phụ đã thường xưng tụng Mẹ là Đấng Toàn Thánh không vương nhiễm tội nào như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành.” Khi suy nghĩ về hai cách cứu chuộc của Thiên Chúa, nhà thần học Dòng Phan Sinh Duns Scot đã trình bày như sau: cách thứ nhất là cứu vớt những người đã mắc tội, cách thứ hai là gìn giữ cho khỏi mắc tội. Mẹ Maria đã được cứu vớt theo cách thứ hai. Vì thế Công Đồng Vaticano II đã nói rằng: “Mẹ được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ Con của Ngài.” (Lumen Gentium số 53). Thánh Damascene đã ví Đức Mẹ như một “cái thang sống động do Chúa Thánh Thần chế tạo”. Quả vậy đây là chiếc thang có một không hai nối kết giữa trời và đất, giữa quyền năng siêu việt của Thiên Chúa và thân phận mỏng dòn của loài người.

Như thế, Đức Maria đã vạch ra cho toàn thể nhân loại, cách riêng cho những người con riêng của Mẹ Vô Nhiễm một con đường của Đức Khiết tịnh Thánh hiến – một con đường vẫn đầy đau thương, vẫn đòi tin yêu. Đặc Ân Vô Nhiễm chính là bước khởi đầu mà Đức Maria đã mở ra cho ta một chính lộ mà ta phải theo nếu ta muốn nên giống Mẹ và làm con của Mẹ. Sống trong Hội dòng mang tên Mẹ, chúng ta phải là chứng tá của Đức Khiết tịnh, “Đức khiết tịnh thánh hiến là chứng từ hồng ân Chúa Thánh Thần, mở rộng trái tim chúng ta đón nhận sự hiện diện cảu Thiên Chúa Ba Ngôi, yêu thương mọi người, làm tăng trưởng sự sống nơi bản thân và tha nhân” (Trích Hiến luật điều 12).

Mầu Nhiệm Nhập Thể trong cuộc đời của Mẹ và trong cuộc đời của mỗi người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

Mầu Nhiệm Nhập thể là công trình của Chúa Thánh Thần nhưng không ai có thể chối cãi được vai trò của Đức Maria. Mẹ được mệnh danh là người nữ tiên phong mở lòng cho Thánh Khí, bằng tiếng “Xin vâng” đầy phó thác và khiêm hạ, Mẹ đã bằng lòng để cho Chúa Thánh Thần thực hiện việc diệu kỳ trong cung lòng của mình. Lời “Xin vâng” đó phát xuất từ tình yêu của Mẹ, tình yêu mà trong đó Mẹ đảm nhận vai trò là một Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Thế” đã viết: “Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ, và Mẹ đã trở thành Hiền Thê trong biến cố Truyền Tin, khi đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa” (Trích thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Thế” số 26). Và trong vai trò đó, Mẹ đã chứng tỏ sự trung tín của mình khi để cho tiếng “Xin vâng” vang vọng trong ngày Truyền Tin còn kéo dài mãi cho tới giây phút cuối  cùng khi đứng dưới chân Thập Giá.

Noi gương Mẹ, mỗi người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng cần để cho biến cố “Xin vâng” của Mẹ thấm nhuần lời nói, hành động và thái độ của chúng ta trong cung cách phục vụ tha nhân của người môn đệ Chúa Kitô. Bằng tiếng “Xin vâng” đầy tin tưởng phó thác, chúng ta có sứ mạng mời gọi tha nhân cùng chiêm ngắm và tôn vinh Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa trong cõi lòng chúng ta được thể hiện một cách thiết thực qua những hành động bác ái yêu thương của đời sống thường nhật. Chúng ta để cho Mầu Nhiệm Nhập Thể làm cho chúng ta trở nên khiêm hạ hơn, mềm dẻo hơn để trở thành những khí cụ đắc lực của Chúa Thánh Thần.

Người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cùng theo Mẹ trong những bước chân đon đả của biến cố Thăm Viếng

Lẽ sống của Giáo hội, lý do hiện hữu của Giáo hội là loan báo Tin Mừng, vì sứ mạng này bắt nguồn từ ý định của Chúa Cha, do Chúa Con thực hiện trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Qua biến cố Thăm Viếng, Đức Maria trở thành người nữ loan báo Tin Mừng đầu tiên. Sau khi được “ở với Chúa”, được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Đức Maria thực hiện ngay sứ vụ “được sai đi” khi vội vã lên đường đi thăm người chị họ là bà Ê-li-sa-bét. Ngay từ lời chào đầu tiên, Đức Maria đã đem lại Nguồn Vui và Ân Sủng cho người khác: đứa con trong dạ bà Ê-li-sa-bét đã nhảy mừng, Chúa Thánh Thần đã tuôn trào trên bà Ê-li-sa-bét và đứa con bà đang cưu mang.

Hình ảnh Đức Maria đon đả băng rừng vượt núi làm cho ta dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh người loan báo Tin Mừng của ngôn sứ I-sai-a: “Đẹp thay trên miền đồi núi bước chân người loan báo Tin Mừng cứu độ” (Is 52,7). Cuộc đời của mỗi người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng phải là một hành trình của những bước chân thoăn thoắt và đon đả lên đường, đến với những vùng ngoại biên, đến với cuộc đời của ai đó đang cần lắm một ly nước lã, một bát cơm vơi, cần một bàn tay biết sẻ chia để vơi đi những nỗi đau thương của phận người. Ước gì trên hành trình lữ thứ trần gian hôm nay, dù phải đối diện với những gian nan khó nhọc giữa trăm chiều thử thách, mỗi người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm vẫn luôn đon đả tiến bước đem niềm vui và tình thương đến cho mọi người.

Hành trình đêm tối Đức Tin trong đời Mẹ và con

Với lời thưa “Xin vâng”, Mẹ đã tự nguyện trở thành một nữ tỳ ngoan ngoãn dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Từ đây, Mẹ để cho Chúa Thánh Thần dẫn mình vào trong một hành trình Đức Tin, hành trình trở thành Mẹ Thiên Chúa. Từ đây Chúa Thánh Thần phủ bóng hoàn toàn trên cuộc đời Mẹ, nhưng hành trình này cũng không miễn chuẩn cho Mẹ những trải nghiệm của “đêm tối Đức tin”, những gian lao vất vả, những đau đớn đoạn trường. Hành trình đêm tối Đức Tin đó khởi đầu bằng dấu chỉ lưỡi gươm mà cụ già Si-mê-on đã tiên báo: “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà”. Mẹ đã cảm nhận được nỗi đau từ lưỡi gươm đó qua các biến cố lạc mất con trong Đền Thờ, khi người ta nói rằng Con của Mẹ bị mất trí, và nỗi đau thật sự, nỗi đau tột cùng của lưỡi gươm thâu qua lòng ruột như dứt ruột đòi cơn vậy là nỗi đau Mẹ đứng dưới chân Thập Giá. Tuy vậy, Mẹ đã ngoan ngoãn đón nhận Thần Khí của Đức Kitô, đón nhận sứ mạng làm Mẹ Giáo hội và làm Mẹ của cả nhân loại.

Những người con riêng của Mẹ Vô Nhiễm mỗi ngày trong Kinh Ba Giờ cũng cầu xin Mẹ rất thánh che chở bênh vực đoàn con cái của Mẹ và làm cho trở nên ngoan ngoãn dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, bóng dáng của Thánh Giá không thể nào thiếu được trên mỗi chặng hành trình đức tin của chúng ta. Thánh Giá chẳng phải đâu xa lạ nhưng đó chính là sứ mạng chu toàn những bổn phận hàng ngày và đón nhận mọi sự khó xảy đến với tinh thần hy sinh từ bỏ. Như Đức Maria, chúng ta khi đứng dưới chân Thập Giá cũng đón nhận Thần Khí do Đức Kitô trao, Thần Khí đó chính là một cuộc chiến đấu nội tâm giữa nỗi khát khao nên Thánh và sự bất lực trước những mỏng manh yếu đuối của phận người.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm, hạnh phúc thay cho đời chúng con luôn có sự hiện diện và song hành của Mẹ, hạnh phúc thay cho chúng con khi mọi biến cố trong đời xảy đến, dù vui buồn sướng khổ, dù hạnh phúc hay gian nan, hay có ưu sầu và thất vọng ngập tràn, thì vẫn luôn được bao bọc chở che trong sự soi sáng từ mỗi biến cố trong cuộc đời Mẹ. Nguyện xin tà áo từ nhân của Mẹ cứ mãi mãi phủ lấy từng phận người chúng con, cho chúng con mãi được an nhiên trên hành trình dâng hiến, trung tín và kiên trì bước theo sát Đức Kitô như Mẹ cho đến cùng. Chúng con cầu xin Mẹ.

M. Matta Kim Quyên (Khấn tạm), FMI