Học với Mẹ

Xin đem đến cho tôi một tâm hồn đơn sơ, không vương mang chất chứa sầu muộn.


"Xin đem đến cho tôi một tâm hồn đơn sơ, không vương mang chất chứa sầu muộn." (x. Kinh Thánh Maria của FMI)

Nếu trung thực được ví như bông hoa đẹp nhất của khu vườn nhân cách thì đơnlà mật thơm của bông hoa ấy. Xã hội ngày càng phát triển với vô vàn sự đổi mới kèm theo đó là muôn ngàn cám dỗ khác nhau. Vậy là một người Kitô hữu đang sống trong thời đại hôm nay, mấy ai dám chắc mình sẽ không bị cuốn vào những thứ ấy. Đặc biệt là chúng tôi, những mầm non ơn gọi vừa chớm nở của Hội dòng mang tên “Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm”.

Là thế hệ trẻ thuộc thời đại gen Z, chúng tôi không chỉ được kì vọng trên con đường ơn gọi mà còn được ví như những mầm non của đất nước, được dự đoán sẽ đem đất nước đi lên ở tương lai. Vì vậy, chúng tôi được kì vọng rất nhiều. Nhưng liệu đó có trở thành áp lực vô hình lên chúng tôi? Bằng chứng là sự đổi mới trong chương trình giảng dạy và việc học kiến thức trên trường lại khiến chúng tôi áp lực, mất đi sự đơn sơ, sự không vương mang chất chứa sầu muộn như kinh Thánh Maria nói. Nhưng mỗi mầm non chúng tôi đều hướng tới việc nên thánh mỗi ngày. Từ thời Cựu Ước, Đức Chúa phán với ông Môsê: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”. Nên thánh là sự kì vọng của Chúa đối với mỗi Kitô hữu và cũng là niềm mong ước của những ai khát khao sống đời thánh hiến. Mỗi con người, mỗi hoàn cảnh tạo nên những tính cách khác nhau ắt sẽ có một con đường nên thánh của riêng mình. Vậy nếu là một mầm non ơn gọi vừa chớm nở, nên thánh bằng con đường nào là đúng đắn? Ắt hẳn với độ tuổi 15-25 thì việc học là con đường nên thánh phù hợp nhất. Học ở đây không chỉ là học kiến thức trên trường mà còn là việc học trong sự cầu nguyện. Đức Hồng Y Thuận – nhà thần học và là bậc thầy của niềm hi vọng Kitô giáo, ngài đã từng tâm sự rằng: “Bối cảnh thiết yếu đầu tiên cho việc học hỏi hy vọng là cầu nguyện. Khi không ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi vẫn có thể thưa với Chúa.” Đây là câu nói của Đức Hồng Y trong những năm tù đày, khi tất cả những người thân không có bên cạnh để có thể chia sẻ vui buồn. Trong cảnh biệt giam, trong một tình trạng hầu như là tuyệt vọng, nhưng Đức Hồng Y có thể lắng nghe và thân thưa với Chúa để nuôi dưỡng niềm hy vọng. Thật vậy, chỉ có cầu nguyện mới đem lại sức mạnh và làm cho kẻ lữ hành đón nhận tất cả như một hồng ân và can đảm đi đến cùng. Trong bài nói với các bạn trẻ, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận quả quyết: “Một người thánh mà không cầu nguyện là thánh giả. Tôi đợi xem, họ sẽ sụp đổ không mấy hồi”. Hơn thế nữa, nguyên nhân của những đổ vỡ trong ơn gọi đều đến từ việc xa lìa đời sống cầu nguyện: “Tôi ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Hội Thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có lý do chính: họ bỏ cầu nguyện từ lâu”. Vậy học trước hết là việc cầu nguyện, là một việc hết sức quan trọng với những mầm non ơn gọi.

Như đã nói ở trên, xã hội đang không ngừng phát triển, nếu chúng ta không tiếp tục học những kiến thức mới, ắt chúng ta sẽ trở nên tụt hậu, gặp khó khăn trong việc phục vụ hay dấn thân giúp đỡ xã hội. Là một Thanh tuyển trong giai đoạn tìm hiểu, Hội dòng luôn ưu ái cho chúng tôi thời gian học tập nhiều thứ. Ngoài việc học trên trường, chúng tôi còn được học thêm nhiều kiến thức về đời sống thiêng liêng, vì việc học cũng là một con đường nên thánh. Có thể lúc khởi đầu, chúng tôi không hẳn muốn sống đời thánh hiến hết mình nhưng sau một thời gian tìm hiểu, học tập, khám phá nhiều thứ về đời sống này, chúng tôi lại bùng lên ý chí dâng hiến mạnh mẽ. Nếu mỗi giờ học chúng tôi được cầu nguyện, nói chuyện được cùng Chúa thì hẳn chúng tôi sẽ không còn chán nản, buồn ngủ mỗi khi gặp Chúa. Việc học trên trường giúp chúng tôi tiếp thu được nhiều tri thức, thì việc học ở trong Hội dòng là việc học để biết Chúa, để yêu mến Chúa, để phục vụ mọi người. Không chỉ vậy, chúng tôi còn được lập nhiều kế hoạch nên thánh trong học tập, trong đời sống thiêng liêng và đời sống chị em.

Và mục đích cuối cùng mà chúng tôi hướng về là sự hiểu biết sâu xa về Chúa Giêsu, về Mẹ Maria, về Hội Thánh và về Hội dòng. Dù áp lực, dù đôi lúc mệt mỏi nhưng mong rằng mỗi chúng tôi đều có thể học hết mình trong việc học trên trường lẫn việc học ở Hội dòng, để mỗi chúng tôi đều có thể nên thánh bằng việc học. Và mong rằng mỗi chúng tôi dù gian nan tới đâu vẫn luôn giữ cho mình một tâm hồn đơn sơ, không vương mang chất chứa sầu muộn để tiếp tục tiến bước lên phía trước.

Isave Uyên Ngân (Thanh tuyển), FMI