Dấu ấn Mân Côi

Sự quý giá của tràng chuỗi hệ tại ở việc nó làm cho tôi cảm nhận tôi được yêu thương, nó giúp tôi lấy lại sức mạnh và niềm tin mỗi khi đứng trước những khó khăn thử thách trên đường đời.


Có những hành trình của một kiếp người mang tên là quá khứ, hành trình đã đi qua những xuôi ngược của thời gian ghi lại những dấu ấn rất đáng trân trọng, những dấu ấn nhắc nhớ cho ta về những con người, những biến cố đã làm nên cuộc đời của ta ở hiện tại, và nhất là nhắc nhớ cho ta về sự hiện diện sống động đầy yêu thương của Thiên Chúa, như một thần học gia đã nói, “đời sống con người, các lời nói, hành động, các sự vật, các biến cố đều có thể vén mở hay bộc lộ chính sự hiện diện và hoạt động của vị Thiên Chúa vô hình”. Đang khi ta mải mê với những bôn ba tính toán của hiện tại, có những quá khứ đã trôi dạt vào những miền hoài niệm xa xăm chẳng bao giờ trở lại, nhưng cũng có những quá khứ còn sống mãi với ta khi hoá thân vào món đồ mà người ta gọi là kỷ vật. Tôi có giữ cho mình một kỷ vật như thế. Khi đã trưởng thành, tôi hiểu rằng có những thứ chẳng thể nào mua được bằng tiền, sự quý giá của một món đồ đôi khi chẳng thể quy đổi bằng giá trị vật chất, nhưng sự quý giá hệ tại ở những giá trị cao quý mà kỷ vật đã vun xới cho tâm hồn ta và giúp ta luôn sống một cuộc đời thật ý nghĩa giữa những biến chuyển thăng trầm của thời cuộc. Tôi thường hay mang bên mình một tràng chuỗi Mân Côi 50 hạt bằng nhựa trong suốt màu tím, đó chính là món quà tôi nhận được từ ba cách đây hơn 23 năm. Đối với tôi, món quà này như một báu vật, không phải vì tràng chuỗi đắt tiền hay quý hiếm, nhưng sự quý giá của tràng chuỗi hệ tại ở việc nó làm cho tôi cảm nhận tôi được yêu thương, nó giúp tôi lấy lại sức mạnh và niềm tin mỗi khi đứng trước những khó khăn thử thách trên đường đời. Mỗi lần chiêm ngắm tràng chuỗi này là mỗi lần tôi được chiêm ngắm một câu chuyện sống động của tuổi thơ.

Nhớ về những ngày ấy, những ngày của thuở ấu thơ, trong mắt tôi ba là cả bầu trời, ba là tất cả, tình yêu đầu tiên mà tôi nhận được trong đời là tình cha. Những bài học làm người, làm con Chúa mà ba đã dạy cho tôi vẫn mãi là những bài học hay và đáng giá nhất mà tôi được học trong đời. Gia đình tôi trong những năm tháng ngày xưa ấy gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đối với ba, ba luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho con cái được học hành, được tham gia những hoạt động đạo đức của giáo xứ. Ba chấp nhận làm việc cực nhọc hơn, thức khuya dậy sớm hơn, nhịn ăn nhịn uống để con cái thêm lòng yêu mến Chúa, yêu mến Đức Mẹ qua những cuộc hành hương. Năm ấy, năm 1999, giáo xứ tôi tổ chức đi tham dự kỳ Đại hội La Vang lần thứ 25, gia đình tôi dù rất túng thiếu nhưng ba vẫn đăng ký cho hai cha con đi La Vang kính Đức Mẹ. Đó là lần đầu tiên tôi được ba đưa đi hành hương Đức Mẹ La Vang. Ba cõng tôi trên vai, ở trên đôi vai gầy guộc của ba, tôi thấy mình như một công chúa nhỏ. Một cảm giác thật hạnh phúc khi được ba kiệu đi trong đoàn người hành hương đông đảo. Khi đi qua một gian hàng nhỏ bày bán những đồ lưu niệm của trung tâm La Vang, ánh mắt trẻ thơ của tôi thoáng chốc bắt gặp sự lấp lánh mê hồn của tràng chuỗi Mân Côi màu tím bằng nhựa trong suốt ấy. Không do dự, tôi hét vào tai ba: “Ba ơi, dừng lại, tràng chuỗi đẹp quá! Ba mua cho con đi ba”. Ba chẳng bao giờ từ chối tôi một yêu cầu gì, và lần này cũng không ngoại lệ. Giờ nghĩ lại tôi thấy mình sao non nớt và vô tâm quá, sao không nhận ra những nỗi lo trong ánh mắt của ba, sao không tinh tế đủ để nhận ra việc mua một món quà đối với ba trong lúc này cũng là cả một sự hy sinh rất lớn. Mắt tôi cứ dán vào tràng chuỗi ấy, không mảy may nghĩ đến những hậu quả theo sau vụ yêu cầu này. Ba khẽ mĩm cười, đặt tôi xuống rồi dịu dàng nói: “Con gái ba giỏi quá, bữa nay biết lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ rồi, để ba mua tặng con gái nha!”. Tôi hớn hở đón lấy tràng chuỗi báu vật từ tay ba, không nhận ra cuộc mặc cả qua lại về giá của tràng chuỗi giữa ba với người bán hàng. Cho đến những năm sau đó, tôi mới hiểu ra vì sao ba không ăn trưa trong ngày hôm ấy. Buổi trưa, ba chỉ mua một phần cơm cho tôi, rồi vui vẻ nhìn con gái ăn, ba chỉ uống nước. Tôi hỏi ba sao ba không ăn cơm, ba không đói à. Ba mĩm cười rồi nói: “Ba ăn rồi!”. Tôi vô tư không biết rằng bữa trưa của ba đã được quy đổi thành tràng chuỗi Mân Côi mà tôi đang giữ trên tay. Tôi không hiểu rằng trong thời điểm kinh tế khó khăn ấy, ba đã cố gắng để dành dụm một khoản tiền vừa đủ cho hai cha con đi hành hương, ba đâu có ngờ lại phát sinh ra vụ quà cáp từ đứa con gái nhỏ này. Tôi không nhớ chính xác tràng chuỗi giá bao nhiêu, nhưng tôi chắc rằng nó đáng giá bằng một bữa trưa của ba. Sau đó hai cha con đến trước Linh đài Đức Mẹ để cầu nguyện. Hình ảnh của ba với tràng chuỗi Mân Côi trên tay quỳ rất lâu trước Linh đài Đức Mẹ La Vang trong những ngày hành hương là một hình ảnh đã ghi những dấu ấn rất sâu đậm vào tâm trí tôi. Sau này lớn lên, tôi được sở hữu khá nhiều tràng chuỗi Mân Côi có giá trị, có những tràng chuỗi rất đẹp, rất đắt tiền, nhưng chẳng có tràng chuỗi nào có ý nghĩa đặc biệt với tôi như tràng chuỗi ấy.

Câu chuyện về dấu ấn tràng chuỗi Mân Côi vẫn còn tiếp tục. Năm tôi vào Dòng, ba đích thân đưa tôi đi mua sắm những vật dụng cần thiết. Khi đưa tôi đến cổng Dòng, ba bất chợt hỏi: “Con có đem theo tràng chuỗi Mân Côi không?”. Tôi bỗng khưng lại một chút trước câu hỏi của ba, nhận ra mình đã quên mang theo tràng chuỗi ấy, lúc đó tôi nhận ra rằng thì ra tràng chuỗi Mân Côi ngày ấy không chỉ quan trọng đối với tôi mà đối với ba nó cũng mang một ý nghĩa đặc biệt. Ngày tôi vào Dòng cũng là ngày đầu tiên tôi chính thức xa gia đình để bước sang một cuộc sống mới, ngày tôi bước theo ơn gọi thánh hiến, và cũng là ngày đầu tiên tôi bước vào ngưỡng cửa Đại học. Lời nhắc nhở của ba về tràng chuỗi Mân Côi giúp tôi ý thức rằng khi không còn được ở trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, của gia đình, thì tôi càng cần cầu nguyện nhiều hơn, càng phải nâng tâm hồn mình lên cao hơn, để hoà nhập vào một cảnh vực mới, vòng tròn kết nối của chuỗi Mân Côi giờ đây không còn giới hạn ở nội bộ gia đình, nhưng đã được mở rộng ra thành vòng tròn của Giáo hội, vòng tròn của tha nhân, vòng tròn của anh chị em đồng loại. Có lẽ ba hiểu được tầm quan trọng của tràng chuỗi Mân Côi ấy, nên ngay ngày hôm sau, ba đã lặn lội từ dưới quê lên thành phố và đứng đợi tôi ngay trước cổng trường Đại học. Tan học tôi dắt xe đạp ra trước cổng và thấy ba đang đứng dưới cơn mưa phùn của chiều mưa xứ Huế. Gương mặt tảo tần lam lũ của ba ánh lên một niềm vui, tựa như cánh đồng khô hạn vừa được tưới gội bởi cơn mưa xuân tươi tốt của đất trời. Ba mĩm cười cầm lấy chuỗi tràng hạt Mân Côi màu tím trong túi xách, trao cho tôi và nói: “Hãy cầm lấy, con gái!”. Không hiểu sao ngay lúc ấy trong đầu tôi chợt liên tưởng đến nghi thức linh mục đọc lời truyền phép trong Thánh Lễ, đó là lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người trong bữa Tiệc Ly: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”(Mt 26,26). Cụm từ “Hãy cầm lấy!” đánh động tôi rất nhiều, điều đó tựa như việc cầm lấy chính Thân Mình, chính sức sống của Chúa. Ba không diễn giải nhiều về hành động ấy, nhưng đối với tôi, tôi cảm nhận một cách sâu sắc rằng ngay lúc ấy, chính Chúa qua hình ảnh của ba đang trao cho tôi một sứ mạng qua biểu tượng của tràng chuỗi kỷ niệm ấy. Đó là sứ mạng cầu nguyện, sứ mạng chuyển cầu của một người nữ tu trong đời thánh hiến, sứ mạng liên kết tất cả mọi anh chị em mà tôi có cơ hội gặp gỡ vào vòng tròn kết nối của chuỗi Mân Côi. Sứ mạng chuyển trao tình yêu Chúa Kitô đến những anh chị em nhỏ bé bên lề xã hội trong vai trò là “một người cha thiêng liêng”, “một người mẹ thiêng liêng”. Cuộc đời tôi kể từ lúc cầm lấy tràng chuỗi của ba cũng đã bắt đầu một chuỗi những hành động “cầm lấy” khác. Ở môi trường Đại học, tôi nỗ lực cầm lấy những tinh hoa của nghề thầy thuốc. Ở môi trường thánh hiến của Hội dòng, lần lượt trải qua các giai đoạn huấn luyện, lần lượt tôi cầm lấy Thánh giá, cầm lấy Hiến luật, cầm lấy chiếc lúp xám, cầm lấy chiếc áo dòng như dấu chỉ của đời tu. Mỗi lần cầm lấy là mỗi lần tâm hồn tôi tràn ngập một nguồn sống mới, mỗi lần cầm lấy là mỗi lần tôi ý thức hơn về sứ mạng và trách nhiệm của mình trong cuộc đời của người môn đệ bước theo sát Chúa Kitô. Đó là những sự cầm lấy tiếp nối của việc cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi mà ba tôi đã trao ngày ấy.

Tràng chuỗi ấy đã theo tôi trong suốt hơn 23 năm rồi, chẳng khi nào rời tôi một bước. Cho dù giờ đây tràng chuỗi không còn nguyên vẹn và hấp dẫn tôi như xưa, bề mặt những hạt kinh đã bị bào mòn, xuất hiện nhiều vết trầy xước, màu sắc của chuỗi hạt cũng phai dần đi, có những chục bị mất đi một vài hạt, nhưng đối với tôi đó vẫn là một tràng chuỗi vô giá. Vẫn là tràng chuỗi ấy, với hình Thánh giá nhỏ bằng kim loại đã úa màu vì bị oxy hoá, với những hạt kinh không còn nguyên vẹn và đẹp đẽ,…nhưng giờ đây nó đã trở thành một báu vật, đó không chỉ là tràng chuỗi bình thường, nó nhắc nhở tôi về sự hy sinh cao cả vô điều kiện của một người cha dành cho đứa con của mình. Từng hạt, từng hạt của tràng chuỗi Mân Côi ngày ấy gợi lên trong tôi từng hạt, từng hạt cơm mà ba đã nhường cho tôi. Trong mắt tôi, từng hạt kinh ấy là từng hạt nước mắt, từng hạt mồ hôi của ba thấm đẫm và hoà quyện trong tình thương của một người cha luôn thao thức và trăn trở cho con cái của mình.

Giờ đây tôi không có nhiều cơ hội để sống gần gia đình, tràng chuỗi Mân Côi lại mang thêm một ý nghĩa đặc biệt, những hạt Mân Côi kết nối với nhau làm nên một vòng tròn duy nhất làm tôi liên tưởng rằng. Mỗi lần tôi cầu nguyện với chuỗi Mân Côi là mỗi lần tôi được kết nối với tất cả mọi người, trong đó có ba, có mẹ, có những người thân yêu của tôi, bằng một sự liên kết thánh thiêng vĩnh cửu. Mỗi lần tôi được mân mê trên đầu ngón tay mình những hạt ngọc Mân Côi ấy là mỗi lần tôi được đụng chạm vào tình thương của ba, được sống tinh thần hiệp hành trong ân sủng với mọi anh chị em trong đại gia đình Giáo hội.

Tràng chuỗi Mân Côi ngày ấy đã hao mòn đi tựa như thân xác và sức lực của ba tôi đã dần tiêu hao cùng với những tảo tần mưa nắng của một kiếp người. Có những lúc tôi chợt nghĩ đến ngày ấy, cái ngày định mệnh dù không muốn nhưng phải một lần đi qua, ngày tôi không còn ba trên cõi đời này nữa. Có lẽ khi ấy tôi sẽ mất đi cả bầu trời. Nghĩ đến đây lòng tôi thắt lại, khoé mắt khẽ nhoà đi, nắm tay tôi siết chặt tràng chuỗi tự lúc nào. Bỗng nhiên tôi cảm thấy bình yên trở lại trong tâm hồn. Theo quy luật tự nhiên, tôi không thể níu giữ lấy thời gian cho riêng mình, cũng như tôi không thể giữ ba mãi, nhưng tôi có thể nắm giữ và trung thành với những lời kinh Mân Côi, và như vậy là tôi đã nắm giữ được tình yêu với mọi người. Nắm giữ và siết chặt một đời sống cầu nguyện gắn bó thiết thân với Chúa để được gắn bó với những người thân yêu của tôi mãi mãi.

Tràng chuỗi Mân Côi ngày ấy đã cùng tôi đi qua những dọc dài năm tháng, hiện diện bên tôi như một dấu ấn của tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng ngang qua những con người rất thực, đó là ba tôi, mẹ tôi, những người thân yêu của tôi. Tôi xác tín rằng Thiên Chúa luôn ở bên tôi, bởi vì thực tại của Thiên Chúa được phản chiếu trong thế giới, nên tất cả đời sống và hoạt động của con người, các biến cố và lịch sử, đều có sự đồng hành và hướng dẫn của Thiên Chúa. Tràng chuỗi Mân Côi cũng là một biểu tượng cho sự nối kết thánh thiêng giữa tôi với mọi thành phần anh chị em trong đại gia đình Giáo hội, qua những lời kinh ngọc ngà tôi được diễm phúc thốt lên trong từng ngày sống. Mỗi lần cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi ấy là mỗi lần tôi như được nhận lãnh một nguồn ân sủng tuyệt vời vô bờ bến của Tình yêu mà Thiên Chúa tuôn xuống qua những dấu chỉ rất thân thương và sống động. Ước mong rằng nguồn ân sủng đó cứ mãi dạt dào trong tâm hồn tôi, để tôi được sống trọn vẹn sứ mạng yêu thương và phục vụ mà Chúa đã ưu ái trao phó cho tôi qua Hội dòng và Giáo hội.

M. Matta Kim Quyên (Khấn tạm), FMI