Những điều Mẹ khó nói

Khi nhìn vào cuộc đời của người nữ mang tên Maria, chúng ta thấy người nữ này rất ít nói bởi có những điều thật không biết với ai hay phải nói như thế nào và có những điều chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thấu hiểu mà thôi.


Cuộc sống là một bức tranh tổng thể đa diện và mỗi người trong cuộc đời này là một mầu nhiệm. Để có thể đi vào mối tương quan với người khác, chúng ta cần sự đối thoại. Qua việc đối thoại, giải trình, chia sẻ, con người sẽ hiểu nhau hơn, giải tỏa những thắc mắc hay rào cản ngăn trở các mối tương quan và từ đó mạnh dạn xây dựng tình liên đới. Vì thế, nhu cầu được nói, được chia sẻ, được thấu hiểu, được lắng nghe là những nhu cầu rất bình dị, rất tự nhiên và cũng rất cần thiết của con người. Thế nhưng, khi nhìn vào cuộc đời của người nữ mang tên Maria, chúng ta thấy người nữ này rất ít nói bởi có những điều thật không biết với ai hay phải nói như thế nào và có những điều chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thấu hiểu mà thôi.

Qua những trang Tin Mừng, ta hiểu được rằng người nữ Maria được sinh ra và dưỡng dục trong một gia đình đạo hạnh với một tâm hồn đơn sơ, trong trắng. Maria đã được hứa hôn với một người thanh niên tên là Giuse - thuộc dòng tộc hoàng gia. Hứa hôn là giai đoạn đầu tiên của quá trình tiến đến hôn nhân (bao gồm hai bước) trong xã hội Do Thái ở thế kỷ thứ nhất và hoàn toàn khác với khái niệm “đính hôn” trong xã hội phương Tây hiện đại. Vào lễ hứa hôn của Đức Maria, cô dâu và chú rể chính thức nói lời ưng thuận trước sự chứng kiến của các nhân chứng. Điều này đã tạo nên một mối ràng buộc pháp lý giữa hai người, và sau đó họ sẽ được coi là đã kết hôn. Người phụ nữ sẽ được gọi là “vợ” của chú rể (xem Mt 1:20, 24), và sự kết hợp này chỉ có thể phá bỏ khi họ ly hôn. Bất kỳ vi phạm nào đối với các quyền liên quan tới hôn nhân của người đàn ông sẽ được coi là ngoại tình[1]. Cuộc hôn nhân này có lẽ sẽ rất tốt đẹp theo lẽ thường bởi sự kết hợp của hai con người hiền lành, đạo hạnh. Thế nhưng, lời loan báo của sứ thần Gabriel đã đặt Đức Maria vào một tình thế rất khó xử. “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1, 31). Đặt bản thân mình vào trường hợp của Đức Maria lúc bấy giờ, một người nữ rất bình thường chứ đừng “thần thánh hóa” Mẹ, ta sẽ hiểu phần nào những lo lắng, xốn xang, hoang mang trong tâm hồn Mẹ. Đức tin của Mẹ đủ lớn để Mẹ đáp tiếng xin vâng. Thế nhưng Mẹ vẫn còn phải đối diện với thực tế, với những người thân thuộc, bà con lối xóm và nhất là với vị hôn phu của mình. Mang trong mình một sứ điệp quá lớn nhưng Mẹ không thể chia sẻ được với ai. Liệu ai sẽ tin Mẹ, ai sẽ hiểu cho Mẹ. Mẹ buồn khi thấy sự thất vọng nơi khuôn mặt của những người mình thương mến. Thế nhưng Mẹ không thể làm gì hơn là chọn cách im lặng và chấp nhận bị hiểu lầm. Rồi khi con trẻ dần khôn lớn, lúc này cũng không còn Thánh Giuse bên cạnh, Mẹ phải vất vả một mình nuôi con. Mẹ góa, con côi cùng nhau chèo chống qua ngày. Mẹ phải vất vả làm lụng cực nhọc, chắt chiu để lo cho Giêsu bằng bạn bằng bè. Mẹ tần tảo nuôi dạy con trẻ Giêsu lớn khôn nên người. Bao nhiêu vất vả ấy, Mẹ biết nói với ai, kể cùng ai. Nhờ những hi sinh âm thầm đó, Mẹ đã cho đời một Giêsu “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52). Bằng chứng là nhìn Thầy Giêsu, một người phụ nữ đã phải hãnh diện thay cho Mẹ: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” (Lc 11, 27-28). Những giáo huấn trong cuộc đời sứ vụ của Đức Giêsu không đến từ những lí thuyết xa xôi, cao siêu nhưng từ chính những kinh nghiệm trong cuộc sống khi được Mẹ mình dạy dỗ. Người ta thường nói “Xem quả thì biết cây”. Quả thế, khi nhìn vào cuộc đời của Đức Giêsu, ta sẽ thấy một người mẹ chuẩn mực, đạo hạnh như thế nào.

Cứ thế, Mẹ theo Con mình trên từng bước Con đi vào sứ vụ. Mẹ thinh lặng lúc con được ca tụng, tán dương hay cả những lúc bị người thân hất hủi, chê bai là mất trí (Mc 3, 20-21). Và cuối cùng, Mẹ lặng thầm theo Con lên đỉnh đồi Canvê. Mẹ hiểu những ngang trái bất công mà Con mình đang gánh chịu nhưng làm sao Mẹ có thể giải thích cho người ta. Mẹ không thể kêu gào, van xin cho người Con yêu dấu của mình thoát khỏi những bất công đó bởi Mẹ hiểu Thánh Ý quá nhiệm mầu của Thiên Chúa. Mẹ dâng tất cả những nỗi đau xót cũng như những điều khó nói đó lên cho Thiên Chúa và chuyển hóa nó thành của lễ dâng về lại cho Người.

Lạy Mẹ Maria yêu mến, Mẹ đã chọn cách thinh lặng trước những hiểu lầm, ngang trái, bất công của cuộc đời. Xin Mẹ dạy con biết bắt chước Mẹ, học cách đón nhận tất cả trong niềm tin. Bởi Thánh Ý Chúa rất nhiệm mầu, có khi sẽ là vô lí theo suy nghĩ của con người nhưng lại hữu lí trong ý định của Người. Xin cho con học cách phản ứng siêu nhiên hơn trước những điều tưởng chừng như vô lí đó để con không tìm cách phân bua, giải thích hay biện minh cho mình. Xin Mẹ dạy con biết cùng Mẹ tìm bình an trong Thánh ý Chúa qua tràng chuỗi Mân Côi mỗi ngày Mẹ nhé!

Maria Thái Thanh (Khấn tạm), FMI