Ai là người đẹp?

Vẻ đẹp này sẽ toát ra bên ngoài và khiến người khác không chỉ nhìn thấy mà còn cảm nhận được sức mạnh của vẻ đẹp thần thiêng. Vẻ đẹp của người có Chúa.


Đề tài phụ nữ đã quen thuộc với mọi người từ thời xưa cho đến nay. Ca dao tục ngữ Việt nam đặc biệt nhắc đến người phụ nữ với các phẩm chất: công, dung, ngôn, hạnh. Vẻ đẹp của sự hiền hậu, chịu thương, chịu khó còn được nhắc tới trong thơ văn Việt nam. “Nuôi con chẳng quản chi thân. Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”. Hình ảnh người phụ nữ chung thủy, quảng đại và dành tình yêu chân thành cho người mình yêu: “Hồng Hà nước đỏ như son, chết thì chịu chết, sống còn yêu anh”. Thật dễ để cảm nhận được những vẻ đẹp của người phụ nữ, đặc biệt khi nhìn vào khuôn mặt, khóe mắt, bàn tay của những người mẹ, người chị. Họ đẹp, đẹp từ bản chất Chúa dựng lên. Họ đẹp vì sứ mệnh trong thế giới, một sự cộng tác hài hòa và phong phú.

Cuộc sống của người phụ nữ thường gắn liền với gia đình. Họ lo cho chồng, cho con, cho cháu… Họ tần tảo đến một ngày, tóc bạc, da mồi, mắt mờ, nếp nhăn càng ngày càng nhiều, nhìn lại và thoáng một chút lặng. Họ thấy mình già đi, vẻ đẹp mượt mà thời thanh xuân đang thay dần. Chút lặng này khiến họ không khỏi bồi hồi.

Vẻ bên ngoài của con người thay đổi theo thời gian. Đó là một hình thức chuyển tiếp. Nó không xấu đi, nhưng nó đẹp ở giai đoạn và thời điểm đó. Một cụ già đẹp ở nụ cười móm mém, đẹp cả khi nụ cười ấy không còn đôi môi hồng hay hàm răng trắng đều như lúc thanh xuân. Đôi mắt nhăn nheo, mờ đục cũng giữ nguyên nét đẹp; bởi nó đã chứng kiến biết bao điều trong cuộc đời. Lúc này là cái đẹp của sương gió, của sự kiên trì và quả cảm, của sự đáng kính, đáng mến và đáng trân trọng.

Vẻ đẹp bên ngoài là cần thiết nhưng có một thứ quan trọng hơn, đó chính là tâm hồn- một thứ vẻ đẹp mãi mãi không sợ mất. Vẻ đẹp này chính là vẻ đẹp của sự khiêm nhường, hiền lành, vui tươi, chân thật, quảng đại, tha thứ, dấn thân…Vẻ đẹp của người vui trong niềm vui của Chúa (Pr 4, 4). Vẻ đẹp khi tin tưởng, cậy trông và phó thác nơi Chúa. Vẻ đẹp này có thể biến những bồi hồi thành niềm an vui. An vui vì chúng ta vẫn chăm chỉ làm cho những “nén bạc” được sinh lời mỗi ngày. Vẻ đẹp này sẽ toát ra bên ngoài và khiến người khác không chỉ nhìn thấy mà còn cảm nhận được sức mạnh của vẻ đẹp thần thiêng. Vẻ đẹp của người có Chúa.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong lá thư gửi phụ nữ toàn thế giới nhân dịp năm Quốc tế Người Nữ, ngài đã cảm ơn những người nữ. Cảm ơn vì họ là những người mẹ, người vợ, người con, người chị, người nữ lao công, người nữ thánh hiến và đơn thuần vì họ là người nữ. Thánh Giáo hoàng đã nhận ra ơn gọi và vẻ đẹp cao quý trong từng bậc sống với tên gọi riêng mà chỉ người phụ nữ mới có: Cảm ơn chị, hỡi người nữ-con và người nữ-chị, chị mang vào nhà của gia đình, rồi trong cảnh phức tạp đời sống xã hội, những phong phú thuộc tính đa cảm của chị, thuộc trực giác của chị, thuộc lòng quảng đại của chị và thuộc sự kiên nhẫn của chị”.

Đức Maria mà chúng ta thấy trong các tranh ảnh và hình tượng quả là những tuyệt phẩm. Mẹ rất đẹp. Thực chất Mẹ đẹp như thế nào, chúng ta không ai hay nhưng chúng ta chắc chắn một điều rằng; Mẹ đẹp bởi một tâm hồn thánh thiện, khiêm nhường và luôn hoan hỷ trong kế hoạch của Thiên Chúa. Niềm vui, bình an, hạnh phúc từ bên trong sẽ toát ra bên ngoài và làm cho Mẹ càng đẹp hơn. Mẹ đẹp bởi Mẹ đã chọn và sống những điều quý giá trước mặt Thiên Chúa.

Người phụ nữ là một tác phẩm đẹp của Thiên Chúa. Họ đã đẹp tự bản chất. Cá vị và độc đáo. Mỗi người sẽ có vẻ đẹp riêng. Chúng ta không thể so sánh, vì nét độc đáo Chúa dựng lên để làm cho vườn hoa thêm lộng lẫy. Chúng ta hãy để cho “nhựa sống của thân cây làm bật bung những cánh hoa”. Chúng ta sẽ đẹp bởi màu cam nhiệt huyết của con tim yêu mến, màu xanh của khát vọng dâng hiến với ý muốn thực hiện điều đẹp ý Chúa và “Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thùy mị, hiền hòa; đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa” (1 Pr 3, 3-4).

Nt. Maria Dương Khiêm, FMI