Giá trị của người nghèo

Hãy để cho thông điệp “Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” trở thành một phương thế giúp chúng ta biết sống yêu thương hơn, sống trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống con người mà Thiên Chúa muốn chúng ta sống hơn.


Với chủ đề “Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” (Tb 4,7), trong Sứ Điệp Nhân Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 7, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta bằng cách nào đó hãy suy tư về giá trị cao quý của những người nghèo trên thế giới này. Hình ảnh cứu giúp người nghèo của gia đình ông Tôbít trong Sách Tôbia gợi cho chúng ta dòng suy tư rằng hãy đón nhận và trân quý sự hiện diện của những người nghèo như là một món quà đến từ Thiên Chúa. Bởi vì sự hiện diện đó là cơ hội để chúng ta thực thi Lòng Thương Xót như Cha trên trời, sự hiện đó có sức đánh động trong tâm hồn mỗi người chúng ta về cảm thức “chạnh lòng thương” và giúp đỡ người khác, và đồng thời sự hiện diện đó cũng đủ sức khiến trái tim chúng ta rung động vì sự hiện diện của những người nghèo làm cho chúng ta nhận thấy mình còn rất may mắn hơn biết bao nhiêu người trên trần gian này.

Một lần nữa, có thể nhiều người trong chúng ta sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao Thiên Chúa tốt lành lại dựng nên sự nghèo đói hay đau khổ cho con người trong thế giới này?” Vấn nạn này đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc đến trong Tông thư “Salvifici Doloris” (Ý nghĩa của đau khổ trong Kitô giáo, số 9). Tại sao Thiên Chúa lại cho phép sự nghèo đói xuất hiện, làm cho cuộc sống của nhiều người trở nên bấp bênh và đau khổ? Trong đức tin, chúng ta biết rằng đây quả thật là một mầu nhiệm của Thiên Chúa, không có gì trong công trình tạo dựng nằm ngoài sự khôn ngoan và thánh ý của Người, trí khôn con người không thể nào hiểu thấu sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa. Thật vậy, còn tâm tình nào đẹp hơn ngoài tâm tình tin tưởng phó thác tất cả mọi sự cho Thiên Chúa như những người con ngoan nguỳ hiếu thảo? Chúng ta tin rằng Thiên Chúa luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho mỗi người chúng ta.

Trong Sứ điệp này, Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả sự nghèo đói như một dòng sông lớn đang chảy qua nhiều nơi và có nguy cơ làm ngập lụt sự an toàn của nhiều người trong chúng ta. Đứng trước hoàn cảnh này, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy can đảm bước xuống dòng sông như ông Tôbit. Ngài mời gọi chúng ta đừng chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện đơn thuần hay những lời nói ủi an trên môi miệng, nhưng trên hết hãy thực thi những hành động bác ái cụ thể. Hãy nỗ lực để xoa dịu sự đói khát của những người nghèo. Hãy trở thành những chứng nhân góp phần kiến tạo sự an toàn cho những người nghèo. Theo gương Đức Kitô nghèo khó, nhiều vị thánh trong Giáo hội đã nhận ra sự nghèo đói là cơ hội để tình yêu được nhân lên mạnh mẽ, nếu ân sủng Thiên Chúa được đón nhận, và chính hành động bác ái vị tha đó sẽ là chứng tá hùng hồn nhất cho đời Kitô hữu của chúng ta. Rất nhiều người nghèo đã thực sự cảm nhận được Thiên Chúa chăm sóc qua sự dấn thân quảng đại của những tấm lòng cao cả. Đó là những người phong hủi và những người bị bỏ rơi được Mẹ Têrêsa Calcutta tận tình chăm sóc; đó là những bệnh nhân lao phổi đau đớn được Thánh Josemaria an ủi về thể chất lẫn tinh thần; đó là những người hấp hối được Thánh Camillô de Lellis đối đãi bằng yêu thương và tôn trọng. Những ví dụ này cũng cho chúng ta hiểu hơn về mầu nhiệm đau khổ trong cuộc đời con người (x.“Thiên Chúa để mặc mọi việc diễn ra sao? Mầu nhiệm Sự dữ và Đau khổ” của Antonio Ducay).

Khi nghĩ về những người nghèo, có khi nào chúng ta nhận ra rằng chính chúng ta cũng là những người nghèo của Thiên Chúa? Mỗi người trong chúng ta có đủ can đảm và khiêm tốn để nhận ra sự nghèo đói và yêu đuối của mình? Có đôi khi chúng ta giúp đỡ và chữa lành cho những người nghèo, những người đau khổ, nhưng chính chúng ta cũng cần ý thức rằng chính mình cũng cần được chữa lành và giúp đỡ. Sống trong thân phận con người, ai cũng là người nghèo theo một nghĩa nào đó, chúng ta rất cần đến nhau. Có một vài bức tranh nổi tiếng vẽ người Samaria nhân hậu và người bị cướp dọc đường có cùng một khuôn mặt. Ở đó, chúng ta có thể nhìn thấy Đức Kitô vừa là Đấng chữa lành vừa là người được chữa lành. Mỗi người chúng ta cũng cần ý thức sứ mạng trở nên hình ảnh của Đức Kitô cho tha nhân qua tấm lòng cộng tác vào việc chữa lành cho người khác. Bởi vì tất cả chúng ta đều mang hình ảnh của Đức Kitô là Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

Ước mong rằng Sứ Điệp Nhân Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 7 sẽ mở ra trong tâm hồn mỗi người chúng ta cánh cửa của lòng trắc ẩn, sự quan tâm và trân quý những người nghèo đang sống xung quanh và bên cạnh chúng ta. Hãy để cho thông điệp “Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” trở thành một phương thế giúp chúng ta biết sống yêu thương hơn, sống trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống con người mà Thiên Chúa muốn chúng ta sống hơn.

M. Matta Kim Quyên (Khấn tạm), FMI