Đời có bao lâu, có mấy khi

Có lần trò chuyện với các em trẻ trong giáo xứ, khi nói kế hoạch dã ngoại của nhóm, có bạn nói: “chết là hết, bây giờ cứ tận hưởng”.


Đọc Tin Mừng trong những ngày cuối năm phụng vụ cùng với tiết trời mưa lũ nhiều nơi, tôi nhớ đến bài hát “bài ca tôm cá” trong đó có câu: “đời có bao lâu, có mấy khi”. Thiết nghĩ tác giả Kata Trần phải là một người lạc quan, tích cực và cũng có khí chất mạnh mẽ khi viết lên những ca từ như thế. Đám trẻ ngày nay hầu như đều nghe và có thể nhép theo lời bài hát này “Thuyền xuôi gió dẫu phong ba ta vẫn kiên trì. Sóng cả đừng ngã tay chèo”.

Giả như ai cũng được thấm nhuần các bài học đạo lý, giả như ai cũng chăm chú lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, thì thiên hạ sẽ toàn là những người tốt, rất tốt. Tôi nghe chuyện người ta ly dị, nghe chuyện người ta ngoại tình, nghe chuyện bạo hành trong gia đình, nghe chuyện cướp bóc nơi này nơi kia. Tôi chẳng trách, chỉ thấy tội khi người đó, ai đó đang trong tình trạng không được hướng dẫn. Họ không có người nâng đỡ, chỉ bảo. Họ sống với đời, mà đời là một vòng cuốn không điểm dừng. Những ngổn ngang khiến họ trở nên rối loạn ngay trong chính mình và khi đã không làm chủ được chính mình; họ sống với tính tự nhiên. Tính tôi là thế, tôi thích tôi làm. Nhưng cái tôi thích là tôi làm sẽ nguy hại biết chừng nào.

Đời có bao lâu, có mấy khi. Đúng là như thế, chúng ta sống thọ lắm cũng được 80-90 tuổi. Theo Liên Hiệp Quốc, tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới là 73, 4 tuổi. Có khi gặp được người này một lần và mãi mãi không bao giờ gặp lại. Lại cũng có khi ở với nhau cả đời nhưng kỳ thực thời gian dành cho nhau lại không được bao nhiêu, tình yêu dành cho nhau cũng hạn chế bởi những tính toán, so đo.

Có lần trò chuyện với các em trẻ trong giáo xứ, khi nói kế hoạch dã ngoại của nhóm, có bạn nói: “chết là hết, bây giờ cứ tận hưởng”. Hai chữ tận hưởng này, tôi có cảm giác các em nghĩ đến nhu cầu hưởng thụ, được thỏa mãn thú vui chơi. Tôi lên tiếng: “nếu chết là hết thì sao lại có chuyện các linh hồn về khi chúng xa xây nhà trên phần mộ của họ”. Như vậy là chết không hết vì có đời sau.

Một ý nghĩa sâu xa dường như các em chưa nghĩ đến đó là tận hưởng bằng cách chắp nếm hương vị cuộc sống với những điều nhỏ bé, bình dị. Có lẽ, lớn hơn các em sẽ hiểu. Tôi thoáng nhìn về những người lớn, những người đã sống trong đời sống gia đình, họ đạt đến tuổi trưởng thành nhưng không phải ai cũng tìm cho mình được ý nghĩa đúng của từ tận hưởng cuộc sống. Có nhiều người giàu, thứ gì cũng có nhưng lại không giữ được hạnh phúc gia đình, lại cũng có nhiều người nghèo, vợ chồng sớm tối dưới ruộng, ngoài vườn. Ngày ngày họ sống đạm bạc với cơm, canh, cá nhưng lại hạnh phúc, bình yên. Họ vui với những ngọn rau luộc, chén nước mắm. Họ nghĩ tốt, làm điều thiện cho người khác.

Sự khác biệt này phụ thuộc vào chọn lựa của mỗi người. Hạnh phúc bình yên là lúc chúng ta bằng lòng với những gì mình đang có, phấn đấu hoàn thành những kế hoạch mình đưa ra với tư thế thoải mái nhất. Chấp nhận cuộc sống có những khó khăn, trở ngại. Người trưởng thành nhìn về mình để biết mình hơn và cố gắng thay đổi những gì chưa tốt.

Người sống hòa thuận trong nhà, chăm lo cho đời sống gia đình tốt thì tương quan với những người xung quanh sẽ đạt tới đức bác ái.

Ở một góc nhìn khác, con người tận hưởng cuộc sống bằng cách gây nguy hại đến người khác, đến thiên nhiên vạn vật thì đó lại là tận diệt.

“Đời có bao lâu có mấy khi”. Bao lâu, khi nào, chúng ta không biết, chỉ mình Chúa biết. Lúc này, ngay giây phút này là thời khắc chúng ta biết mình đang còn hiện hữu. Tại sao không hít thật sâu, nhìn ra xa, mỉm cười và biết ơn. Biết ơn Chúa, biết ơn đời, biết ơn người, vì cuộc sống của tôi có tên của bạn. Và hãy sống tâm tình biết ơn đó trong chính cuộc sống thường nhật của mỗi người.

Nt. Maria Dương Khiêm, FMI