Bức ảnh đời tu

Cả ba “thông số” này đều quan trọng. Nó bổ túc cho nhau giúp ta sống đời tu thánh thiện ngay trong hiện tại.


Nếu có ai đó hỏi tôi: sống ở Nhà Thử như thế nào? Tôi sẽ trả lời rằng việc sống trong giai đoạn huấn luyện khởi đầu này như việc chụp một bức ảnh. Để có một bức ảnh đẹp, ngoài các yếu tố kỹ thuật và ngoại cảnh, thì việc điều chỉnh các thông số trên máy ảnh cũng rất quan trọng. Người ta thường kể đến ba thông số quan trọng nhất, thông dụng nhất và thường được sử dụng nhiều nhất đó là khẩu độ, tốc độ chụp và độ nhạy sáng ISO. Thế nên, ta có thể liên tưởng đến đời tu: khẩu độ có thể ví như đời sống thiêng liêng và sự thinh lặng nội tâm; tốc độ màn trập là đời sống cộng đoàn; độ nhạy ISO như là đời sống tông đồ. Cả ba “thông số” này đều quan trọng. Nó bổ túc cho nhau giúp ta sống đời tu thánh thiện ngay trong hiện tại.

Trước tiên là việc điều chỉnh khẩu độ (Khẩu độ là độ mở cửa ống kính giúp điều tiết lượng ánh sáng đi vào đến cảm biến của máy ảnh). Việc điều chỉnh thông số này khá đơn giản: độ mở của ống kính càng lớn, tức thông số này càng nhỏ thì lấy được nhiều ánh sáng hơn, yếu tố này làm cho tấm ảnh sáng và trong. Người ta thường chỉnh thông số này thật nhỏ khi muốn chụp chân dung, lấy nét cận. Ngược lại, nếu thông số này càng lớn thì ảnh càng tối. Chỉ số khẩu độ lớn hơn phù hợp cho việc chụp ảnh đông người, cần lấy ngoại cảnh nhiều. Tương tự như thế, nội tâm của người tu sĩ sẽ càng sáng, càng trong nếu họ biết điều chỉnh những sự ồn ào bên ngoài và làm chủ được “xôn xao” bên trong. Hay nói cách khác: khi người tu sĩ biết dành những khoảng thinh lặng nội tâm cho Thiên Chúa đồng thời mở rộng lòng mình thì  chính nơi ấy, họ sẽ gặp được Người.

Thông số thứ hai là tốc độ màn trập – thời gian ánh sáng đi vào cảm biến máy ảnh. Nguyên lý của việc điều chỉnh thông số này là nếu thời gian để ánh sáng đi vào cảm biến ảnh càng lâu thì ảnh càng sáng; ngược lại, nếu thời gian càng nhanh thì ảnh càng tối. Người ta thường để tốc độ màn trập lâu để chụp chế độ phơi sáng, ví dụ như những bức ảnh đường phố với nhiều dải sáng chạy dọc dài bức ảnh; hay để đóng băng hạt mưa, nhiếp ảnh gia phải dùng đến tốc độ màn trập nhanh nhất có thể. Trong đời sống cộng đoàn cũng thế, nhiều lần chúng ta đóng kín tâm lòng, bởi: những “phản ứng” quá nhanh, những cái nghĩ “về tôi” quá mau lẹ khiến “ánh sáng” không kịp đi vào trái tim. Quả thật, mỗi người đi qua cuộc đời mình đều để lại những vệt sáng mờ nhạt khác nhau, nếu quảng đại đón nhận, nếu biết “căn chỉnh” những vệt sáng ấy cách trật tự thì đương nhiên, bức ảnh tâm hồn sẽ sáng đẹp cách tự nhiên.

Thông số thứ ba, cũng quan trọng không kém đó là độ nhạy sáng ISO (Độ nhạy sáng ISO kiểm soát mức nhạy của cảm biến máy ảnh đối với ánh sáng đi vào cảm biến). Đời sống tông đồ của người môn đệ có thể được ví như thông số này bởi lẽ nguyên lý chính để căn chỉnh là: chỉnh thông số này càng cao, ảnh sẽ càng sáng (điều này có thể cho phép người chụp chụp ảnh cả trong môi trường thiếu sáng mà không cần dùng đèn flash). Tuy nhiên, nếu chỉ số của ISO quá cao sẽ dẫn đến hiện tượng “mè ảnh”. Bức ảnh đời tu sẽ tươi sáng hơn nếu người tu sĩ biết thêm vào đó vị mặn của đời sống tông đồ – bác ái. Tông đồ ngay chính phút giây hiện tại, nơi môi trường mình đang hiện diện, với những người chị em hằng ngày bên cạnh, trong những công việc phục vụ nhỏ bé. Thế nhưng, ảnh sẽ “mè” nếu ta để mình rơi vào trạng thái “quên mất những khoảnh khắc trầm lắng trong Chúa. Hãy can đảm chọn Chúa chứ không phải công việc của Chúa để luôn sáng trong giữa mọi cảnh huống.

Để kết, hơn ba tháng tập tễnh trong đời tu ở giai đoạn Tiền tập, tôi không có tham vọng sẽ cho ra một bức ảnh thật hoàn hảo. Tôi chỉ biết cố gắng sống là chính mình cách tốt nhất, đẹp lòng Chúa nhất mà thôi. Tôi thầm cầu chúc cho mỗi người luôn biết căn chỉnh các thông số trong đời sống của mình, để mỗi ngày một hơn, bức ảnh tâm hồn sẽ thêm tươi sáng bởi hương sắc thánh thiện như Chúa.

Têrêxa Quyên (Tiền tập), FMI