Mùa đợi chờ

Mùa Vọng cũng là thời điểm để tâm hồn mình lắng đọng, để tôi có thể lắng nghe tiếng Chúa khẽ gọi để tránh xa những cám dỗ đầy hiểm nguy cho đời sống thiêng liêng của mình.


Chiều dần buông, tiếng trống trường vang lên kết thúc một ngày của các học sinh tiểu học. Cổng trường tấp nập phụ huynh đón các em về lại với gia đình. Trời càng về chiều, không khí càng lặng lẽ, tôi đang thả mình thư giãn ngắm nhìn những bông hoa trước đài Đức Mẹ sau giờ chơi thể thao của cộng đoàn. Bước gần đến cổng, tôi nhìn thấy một em bé bước những bước thật chậm, vai mang ba lô, mắt cứ nhìn quanh như đang ngóng chờ ai. Em đi ngang qua cổng, tôi khẽ hỏi: “Tại sao con lại đi bộ, không ai đón con hả? Nhà con ở đâu? Con học lớp mấy rồi? Em nhìn tôi rụt rè đáp: “Mẹ con chưa đón con. Nhà con ở Tam Bố[1], con học lớp 1 ạ? Nhìn gương mặt non nớt của em và dòng xe chạy xuôi ngược, tấp nập ngoài đường kia, tôi cảm thấy lo sợ cho em nếu em đi về một mình. Tôi gọi em vào và nói: “Thôi, con ngồi ở đây chờ mẹ, chắc hôm nay Mẹ đi làm về muộn, nên chưa đón con được”. Em cũng vâng lời, ngồi vào bờ đá trước đài Đức Mẹ, mắt dõi ra đường để chờ mẹ. Trời đã chập tối. Tôi hỏi em thêm vài câu: “Con không nhớ số điện thoại của Mẹ hả? Em nhìn tôi nói trong vô vọng, “dạ không ạ?” Tôi tiếp: “Con ngồi đây làm sao mẹ biết để đón con.” Em trả lời: “Mẹ con mang mũ bảo hiểm màu vàng”. Rồi cả hai lặng im nhìn ra đường. Một lát sau, có người phụ nữ mang mũ bảo hiểm màu vàng chạy xe ngang qua, em reo lên: “Mẹ ơi! Con ở đây! Bà quay xe lại và đón em, bà hỏi: “vì sao con không ở cổng trường đợi mẹ?” Tôi trả lời: “Thấy em đi bộ về một mình, Dì gọi em lại vì sợ xe, nên em vào đây.”

Thái độ đợi chờ của em nhỏ trong câu chuyện trên làm cho tôi liên tưởng đến tâm tình của tôi phải có trong Mùa Vọng. Mùa Vọng lại đến, Giáo hội nhắc nhở cho tôi sống trong tâm tình đợi chờ. Đợi chờ một vị cứu thế đến mang niềm vui, niềm hy vọng. Đợi chờ một vị Thiên Chúa lại đến trong vinh quang để đem tôi về nơi quê hương Thiên Quốc.

Đợi chờ là tâm tình của một đứa con luôn dõi mắt để được ba mẹ đón về nhà. Và thái độ sẵn sàng của em bé, vai mang ba lô, chân bước đi, mắt không ngừng quan sát, và nhìn ra đường để gọi mẹ là thái độ của một tâm hồn tỉnh thức, mắt luôn mở to, tinh thần tỉnh táo và nắm lấy cơ hội để mẹ mình không vụt mất. Như thế, tôi nhận ra rằng đợi chờ Chúa đến là một thái độ của niềm vui và luôn luôn sẵn sàng, một sự đợi chờ trong năng động chứ không ù lì. Đợi chờ không phải là chỉ ngồi một chỗ nhưng là một tâm tình thôi thúc tôi bước đi, sẵn sàng và chủ động. Như em bé kia, em biết mẹ em sẽ đón, vì thế em đợi chờ. Nhưng mẹ em lâu đến quá, em cũng loay hoay tìm cách để đi về, nhưng trên đường về em đã lắng nghe lời gọi của tôi và em dừng lại vì biết đường về quá nguy hiểm.

Mùa Vọng cũng là thời điểm để tâm hồn mình lắng đọng, để tôi có thể lắng nghe tiếng Chúa khẽ gọi để tránh xa những cám dỗ đầy hiểm nguy cho đời sống thiêng liêng của mình. Mùa Vọng cũng là lúc dừng lại lắng nghe bản thân, nhận ra những yếu đuối để hoán cải. Mùa Vọng cũng là mùa yêu thương để tôi nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi những người nghèo khổ nhất, nơi anh chị em đang sống cùng sống với.

Ước gì Mùa Vọng năm nay, không phải là khoảng thời gian buồn chán nhưng là một thời gian sống trong yêu thương và niềm vui để cho cánh cửa trái tim tôi rộng mở sẵn sàng đón Chúa đến.Và như thế, tôi sẽ sống một Mùa Vọng thật sự ý nghĩa vì tôi biết Chúa sẽ đến và sự đợi chờ của tôi sẽ không trở nên vô nghĩa.

Cat. Nguyễn Thị Tâm (Khấn tạm), FMI


[1] Tam bố cách Phú Hiệp khoảng 3km, qua con đèo  về phía Bắc, hướng đi Đà Lạt,