Cùng Mẹ bước đi trong Mùa Vọng

Thời gian sống tâm tình mong đợi con Thiên Chúa nơi Mẹ Maria ắt hẳn đã được dệt bằng những chuỗi ngày vô tận của sự thánh thiện, thành tâm.


Mùa Vọng là thời gian để mỗi người Kitô hữu dành những giây phút thật riêng tư để cúi đầu nhìn vào trong chính cõi lòng sâu thẳm của mình để dọn đường, sửa lối” ( x. Lc 3, 4) cho xứng đáng.

Vậy chúng ta cần dọn gì, sửa gì?

Nếu trong Kinh Thánh cho chúng ta nhận ra sự xuất hiện của các nhân vật như  Tiên tri Isaia, Gioan Tẩy giả, là những người đã thực sự dọn và sửa đời mình để đón Chúa. Lại càng là một sự thiếu sót nếu chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Đức Maria trong lúc này. Hơn ai hết, kinh nghiệm sống tâm tình Mùa Vọng nơi Mẹ Maria vẫn luôn là tiếng gọi thúc giục lòng ta nhìn lên Mẹ và sống như Mẹ.

Kinh Thánh vẫn cho ta thấy dân Ít- ra- en rất mong chờ Đấng có thể đến và giải thoát họ. Nhưng hình ảnh rõ nét nhất chúng ta dễ dàng nhận ra đó chính là Đức Maria. Có thể nói Đức Maria là người nữ của Mùa Vọng. 

1. Mẹ Maria người nữ của Mùa Vọng

Thiết tưởng hình mẫu một người thôn nữ dân dã của vùng quê nghèo, ẩn tàng đâu đó nét đẹp của một tâm hồn hướng về trời cao. Kinh Thánh nhìn nhận Mẹ như một người nghèo của Thiên Chúa. Bởi là người nghèo của Chúa có thể thiếu mọi sự về vật chất, danh vị và thậm chí cả tâm hồn, nhưng nơi họ lại có rất nhiều thứ khác để cho đi. Người nghèo mang một nét đẹp của một bàn tay luôn rộng mở và hướng về trời cao. Họ sẵn sàng mở ra cho những ân huệ lớn lao đổ đầy cuộc sống họ, cũng chính sự mở ra ấy, họ sẵn sàng trao cho người khác những gì họ có.

Trong tâm tình chờ đợi Đấng Thiên Sai, nên thời gian sống tâm tình mong đợi con Thiên Chúa nơi Mẹ Maria ắt hẳn đã được dệt bằng những chuỗi ngày vô tận của sự thánh thiện, thành tâm. Mẹ sống thánh thiện, vì Mẹ xác tín những tâm hồn thánh thiện là những tâm hồn sẽ được đón nhận niềm vui ơn cứu độ cách tròn đầy. Chúa đã đoái thương nhìn đến tâm hồn ấy. Ngài chọn Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế, chọn cung lòng Mẹ làm nơi cung điện cho con Thiên Chúa ngự vào. Sẽ chẳng còn điều gì làm cho Mẹ ngỡ ngàng hơn biến cố ấy. Và cùng từ nơi biến cố Mẹ cúi xuống nhìn vào phận nữ tỳ hèn mọn của mình để rồi thốt lên lời xin vâng cách xác tín. Thái độ khiêm tốn của Mẹ đã chỉ cho chúng ta con đường để chúng ta gặp Chúa, để Chúa đến với chúng ta. Con đường Mẹ chỉ dạy chúng ta đó là hãy trở lại kinh nghiệm của chuỗi ngày vô tận đợi trông như Mẹ. 

2. Cùng Mẹ sống khiêm hạ

Hai tiếng “xin vâng” ý Chúa trong ngày truyền tin khai mở nơi Mẹ một chuỗi ngày của sự tín thác, mọi giây phút trong cuộc đời Mẹ là lời xin vâng tuyệt diệu. Biết bao vui buồn, biết bao sự hiểu lầm, lo sợ...tràn ngập nơi cuộc sống của Mẹ, nhưng Mẹ đã vượt qua bằng một đời sống tin tưởng và thực thi Lời Chúa.

Qua đời sống gương mẫu tuyệt vời ấy, Mẹ muốn nhắc nhở những người con của Mẹ: Thiên Chúa vui lòng với những nỗ lực cố gắng của chúng ta trong hiện tại. Cách riêng mỗi người cần nhận ra được đâu là những vướng bận mà chúng ta cần dọn dẹp? đâu là những hố sâu và núi đồi mà cần sửa? Những vướng bận của tội lỗi, của sai lầm, những cái tôi của sự tự mãn, hẹp hòi chỉ biết quy về mình và sống không ai cần ai dường như ngăn cản con người đến gần với Đấng toàn Thánh. Sẽ là một sự ảo tưởng khi nghĩ rằng mùa vọng này tôi có thể làm cho con đường của tôi nên thẳng tắp hay bằng phẳng. Dĩ nhiên điều đó rất tốt đẹp, rất hoàn hảo, nhưng Thiên Chúa không chờ đợi điều đó. Điều mà Ngài chờ đợi đó là tấm lòng thành tâm thiện chí của chúng ta. Chúa chờ đợi một cái “đấm ngực” như người thu thuế rằng “con là người tội lỗi” và cố gắng sửa đổi chính mình. Hơn là một cái đấm ngực “tự mãn”, thưa Chúa con đã làm được điều này điều kia.

Mùa Vọng không phải là một khởi điểm của một hành trình đức tin đầy khiêm hạ, nó không giới hạn bởi thời gian. Nhưng là tâm tình hướng về trời cao để ý thức sự mọn hèn của kiếp người tội lỗi bằng từng giây từng phút của cuộc đời con người. Như vậy, khi khám phá hình ảnh sống Mùa Vọng nơi Đức Maria qua đời sống của niềm tin và sự khiêm hạ, thì đó cũng là lúc Mẹ chỉ cho chúng ta con đường hoàn hảo nhất, đẹp lòng Chúa nhất để Chúa đến với chúng ta.

Anna Minh Chi (Khấn tạm), FMI