Mùa Vọng - Mùa của tâm tình đợi chờ

Mùa Vọng cũng nhắn nhủ chúng ta rằng hãy sống cho hôm nay, chứ đừng sống cho cái bóng của hôm qua hay cái bóng của ngày mai.


Không phải vô tình mà Giáo hội đặt Mùa Vọng làm thời gian khởi đầu cho một Năm Phụng vụ và chuẩn bị cho việc cử hành mầu nhiệm Nhập Thể. Thật vậy, tâm tình của Giáo hội khi sống Mùa Vọng là tâm tình của sự chờ đợi. Chờ đợi trong thinh lặng là một sự chuẩn bị hết sức cần thiết để chúng ta có thể thực sự được biến đổi trong vui tươi, bình an và hy vọng. Trong những ngày đầu tiên của một năm phụng vụ mới này, chúng ta hãy dành ít phút để suy tư về ý nghĩa của sự chờ đợi trong Mùa Vọng và trong hành trình cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Theo bản dịch Kinh Thánh Tiêu Chuẩn Mới của Mỹ (New American Standard Bible), Mùa Vọng xuất phát từ Qavah trong tiếng Do Thái nghĩa là hy vọng, mong đợi, háo hức tìm kiếm, và tin tưởng. Như vậy, Mùa Vọng là thời gian đợi chờ một Đấng vĩ đại và một sự kiện trọng đại sẽ xảy ra. Với tâm tình tỉnh thức và đợi chờ, Mùa Vọng mang lại những điều mong đợi, biến đổi, vui tươi, an bình và yêu thương.[1]

Trong tâm tình suy tư của Mùa Vọng, mời bạn cùng tôi suy ngẫm về nhịp sống hiện đại của con người hôm nay: Đã mang thân phận con người, ai trong chúng ta cũng phải đối diện với hai vấn đề căn bản của Hiện sinh: vấn đề thứ nhất là tác động bên ngoài, sự phát triển mau lẹ của khoa học kỹ thuật và những yêu sách của cuộc sống vật chất hàng ngày vẫn đang hối hả đưa chúng ta vào trong những khuôn khổ ngoại tại rỗng tuếch. Con người có nguy cơ “càng luẩn quẩn với mình và càng trôi theo dục vọng, buồn nản, theo lo âu và lãnh đạm lạnh lùng”, “cảm thấy bơ vơ không nơi nương tựa”. Vấn đề thứ hai đến từ nội tâm, do con người đã mang sẵn khuynh hướng vong thân, nên họ có nguy cơ dễ bị cuốn trôi đi “trong những tập quán, những biểu ngữ công cộng, những đường mòn khô khan”.[2] Vậy để có được một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc thực sự, có nên chăng chúng ta cần cho phép bản thân một khoảng thời gian đủ sự thinh lặng cần thiết cho việc tỉnh thức và đợi chờ.

Nếu bạn đã từng đọc “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesses, hẳn bạn rất ấn tượng bởi dòng triết lý sâu sắc của văn sĩ người Đức này về ba khả năng mà con người cần có để vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc đời: đó là khả năng biết nhịn đói, biết chờ đợi và biết suy nghĩ. Biết nhịn đói để không bị cái đói điều khiển khiến mình làm những điều mù quáng;  biết suy nghĩ để phân biệt đúng và sai, thật và giả, tạm thời và bền lâu; biết chờ đợi để không bị lòng si mê, nóng giận, tham lam sai khiến, đẩy mình vào sai lầm và vội vã. Như vậy, sự chờ đợi dường như là một điều kiện cần thiết giúp con người có đủ sự bình tâm để thực hiện những hành động đúng đắn trong cuộc sống. Và ngay cả việc suy tư xét cho cùng cũng là khả năng chờ đợi của trí tuệ, không vội vàng kết luận điều gì trước thời hạn mà chờ cho đủ chứng cứ từ nhiều phía.

“Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng,

lúc đêm trường chừng như điểm canh ba,

thì từ trời cao thẳm,

lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngai báu” (Kn 18,14-15)

Ngôi Hai Thiên Chúa không đến giữa tiếng reo mừng rộn ràng hoan hỷ của những lời tung hô chúc tụng, Người cũng không đến giữa bầu khí tưng bừng của lễ hội, nhưng Người đã đến khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, chỉ những tâm hồn thực tâm biết kiên nhẫn đợi chờ mới có thể đón gặp được Người. Mùa Vọng chính là khoảng thời gian dạy cho chúng ta biết cách lắng nghe với tâm tĩnh lặng, lòng rộng mở, không đam mê, không cầu mong, không phán xét và không thành kiến. Mùa Vọng cũng nhắn nhủ chúng ta rằng hãy sống cho hôm nay, chứ đừng sống cho cái bóng của hôm qua hay cái bóng của ngày mai.

Một Mùa Vọng nữa lại đến trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Ước gì Mùa Vọng của năm nay sẽ biến đổi tâm hồn của bạn và tôi nên tươi mới hơn, bình an hơn qua những bài học sâu sắc của sự chờ đợi, hầu tâm hồn chúng ta sẽ trở thành những máng cỏ toả nồng hơi ấm tình yêu cho Ngôi Hai Thiên Chúa ngự vào.

M. Matta Kim Quyên (Khấn tạm), FMI


[1] X.https://www.tonggiaophanhanoi.org/mua-vong-mua-tin-yeu-va-hy-vong/

[2] X.KARL JASPERS, Triết học Nhập môn (Bản dịch: GS. Lê Tôn Nghiêm)