Một chuyến đi

Xe dừng bánh, chúng tôi di chuyển vào phía trong trung tâm. Còn đang phân vân chưa biết gặp ai thì chúng tôi đã thấy thấp thoáng vài người áo xanh ra đón.


Một buổi sáng trời xứ Huế mưa lâm thâm, chúng tôi lên xe đến một địa điểm đã hẹn, đó là Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, ở P. Hương Hồ, TX. Hương Trà, TT-Huế.

Xe dừng bánh, chúng tôi di chuyển vào phía trong trung tâm. Còn đang phân vân chưa biết gặp ai thì chúng tôi đã thấy thấp thoáng vài người áo xanh ra đón. Bộ đồng phục cho chúng tôi biết đó là những bệnh nhân. Đây là những bệnh nhân khá hơn. Họ có thể ra ngoài phụ giúp các công việc thường ngày như phụ nấu ăn, dọn dẹp, bưng bê… Một cảm giác e dè khi đứng trước những người bệnh. Tôi sợ họ phát bệnh khi đang tiếp xúc với họ.  Chúng tôi đến gần hơn, hỏi thăm và trò chuyện. Câu hỏi vừa dứt thì họ cũng cho chúng tôi câu trả lời tức thì. Khi không biết phải hỏi gì vì những câu trả lời đều rất sắc sảo, tôi hỏi tới: “giả như muốn về nhà thì sao?” Anh Trương Văn L trả lời: “Người nhà bảo lãnh là được về, nhưng về nhà không có thuốc uống đều, phát lại cũng mệt. Ở đây quen rồi, vui và cũng muốn ở đây”. Anh nói với nét mặt vui tươi, bình an. Một anh khác với làn da ngăm đen vui vẻ cho chúng tôi biết: anh làm nghề chăn bò gần 4 năm, mấy giờ đi, mấy giờ về anh nói chính xác như được báo thức trong tâm trí. Tôi hỏi làm sao để biết giờ, anh đưa cho tôi xem chiếc đồng hồ đeo tay. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì anh liên tục kể ra bao nhiêu con, mấy người chăn. Anh vô tư kể, gương mặt đơn sơ, chân chất của người sống cuộc đời bình yên ngày ngày với đồng cỏ, với việc chăn những con bò. Điều mà không phải người nào cũng có được, ngay cả những người giàu có, đầy đủ.

Chúng tôi đi tiếp trên con đường nhỏ dẫn qua các khu dành cho bệnh nhân. Đi một vòng dưới sự hướng dẫn của chị Nguyễn Thị Kim Hà, nhân viên cấp dưỡng. Chị Hà với 30 năm kinh nghiệm tại đây, chị chia sẻ: “ở đây có 560 bệnh nhân cả nam và nữ, trong số đó có một số ít cai nghiện. Có khoảng 70-80% bệnh nhân là người tri thức. Ngày thường, họ được đào tạo để làm thêm các công việc như đan dệt thảm, chăn nuôi, trồng rau”. Vừa đi chị vừa chỉ cho chúng tôi các địa điểm. Một căn nhà khiến tôi ngạc nhiên hơn, đó là thư viện dành cho người bệnh. Chị đã xin chúng tôi sách báo, hình ảnh để có thể cho bệnh nhân đọc như một hình thức giải trí. Là những bệnh nhân tâm thần mà vẫn không quên được thói quen của người ham học hỏi. Họ là những người giỏi thực sự trong mắt tôi.

Chúng tôi đến với mục đích thăm và chia sẻ với những người anh em một bữa ăn trưa. Thật chẳng đáng gì nhưng nhìn những người anh em vui mừng mà lòng chúng tôi cũng đang mỉm cười thật tươi. Các nhân viên tại đây đã thay chúng tôi nấu những phần ăn thật hấp dẫn. Xa xa, những cánh tay đó đang giơ cao vẫy chào chúng tôi. Tôi thầm cầu chúc và tin rằng, đó là những tâm hồn đơn sơ, bé nhỏ mà Chúa luôn dành sẵn phúc thiên đàng cho họ. Chúng tôi lên xe, trời vẫn mưa, những nụ cười, cái vẫy tay của những người anh em vẫn còn theo chúng tôi trên hành trình trở về.

Nt. Maria Dương Khiêm, FMI