Thiên Chúa nêu gương về sự chờ đợi

Thiên Chúa vẫn luôn tiếp tục chờ đợi con người và chính con người được mời gọi chờ Chúa đến trong tỉnh thức và sẵn sàng.


Khi nói đến Mùa Vọng, ai cũng nghĩ rằng đó là mùa con người chờ đợi Chúa đến. Theo truyền thống Giáo hội, Mùa Vọng có bốn ý nghĩa sau: Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhấtMùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thếMùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng taMùa chuẩn bị tâm hồn Kitô hữu xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới[1].

Thế nhưng, giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu thêm một ý nghĩa khác. Mùa Vọng là mùa mà Thiên Chúa dạy cho ta đợi chờ qua việc chính Ngài đã chờ đợi chúng ta. Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: Chúng ta được Thiên Chúa chờ đợi từ đời đời (CV 114).

Thiên Chúa chờ đợi con người từ những ngày đầu tiên trong Sáng thế, từ kế hoạch sáng tạo làm nên tất cả mọi điều để đến ngày con người được hình thành trong điều kiện đầy đủ và tốt đẹp nhất. Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 26-27).

Thiên Chúa chờ đợi con người nên như Chúa mong muốn, đặt để con người trên tất cả mọi loài. “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân”. (Tv 8, 4-7)

Thiên Chúa chờ đợi con người, từng người, từng cá vị riêng. Ngài như người mẹ đang mang thai chờ đợi đứa con của mình ra đời. Ngài còn chờ đợi đứa con đó từ trước muôn đời. “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1, 5)

Thiên Chúa chờ đợi con người với tình yêu thương và lòng thương xót vô bờ bến. “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta đã dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31, 3)

Thiên Chúa chờ đợi con người ăn năn, hối cải, trở về từ con đường tội lỗi. Ngài cũng kiên nhẫn chờ đợi con người, vì Ngài là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông” (Xh 34, 6-7). Ngài biết rõ con người yếu đuối, mỏng dòn, nên Ngài luôn chờ đợi và tạo điều kiện cho con người trở về. Ngài nén cơn giận, chịu đựng những lỗi lầm do con người phản bội và kiên nhẫn để con người có thời gian hoán cải. “Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa. Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2Pr 3, 9b).

Thiên Chúa chờ đợi con người như người cha nhân lành trong Tin Mừng Luca, người cha kiên nhẫn chờ đợi con trở về, sẵn sàng tha thứ và ban lại cho anh tất cả mọi thứ mà anh đã đánh mất với lòng thương xót vô bờ bến[2].

Thiên Chúa chờ đợi con người qua mầu nhiệm Giáng Sinh, Ngài đến với thân phận con người, Ngài trở thành con người để chờ đợi con người gần hơn, thiết thân hơn và để trao ban chính Ngài là nguồn ơn cứu độ cho muôn dân. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 11.12.14).

Thiên Chúa chờ đợi con người trong Bí tích Hòa Giải: “Những ai đến với bí tích Sám Hối đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ mọi lỗi lầm xúc phạm đến Ngài, đồng thời cũng được giao hòa với Giáo hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội, và Giáo hội cùng hợp lực giúp họ hoán cải bằng đức ái, gương lành và kinh nguyện”[3].

Thiên Chúa chờ đợi con người trong Nhà Tạm, nơi Bí tích Thánh Thể, và mời gọi chúng ta “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Thiên Chúa chờ đợi con người trong mỗi ngày sống: Mỗi sáng thức dậy, Ngài chờ chúng ta mở miệng thân thưa với Ngài. Lúc bắt đầu công việc, Ngài chờ chúng ta tìm ý Ngài. Khi gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người, Ngài chờ chúng ta nhận ra Ngài. Trong giờ kinh nguyện, Ngài chờ chúng ta làm vinh danh Ngài. Trong những giờ hội họp, Ngài chờ chúng ta bắt chước gương Ngài. Trong những giờ phút thinh lặng, Ngài chờ chúng ta kết hiệp với Ngài. Từng giây, từng phút của cuộc đời chúng ta là sự chờ đợi của Thiên Chúa. Cho dẫu chúng ta có như thế nào thì Ngài vẫn không thay đổi[4].

Thiên Chúa vẫn luôn tiếp tục chờ đợi con người và chính con người được mời gọi chờ Chúa đến trong tỉnh thức và sẵn sàng. Nhưng trên hết là thái độ mau mắn đáp trả lại những lời mời gọi, đáp lại sự chờ đợi của Chúa dành cho mỗi người ngay trong giây phút hiện tại, ngay trong hoàn cảnh mà mỗi người đang trải qua, để cảm nhận Chúa hiện diện, cảm nhận tình thương của Chúa qua sự kiên nhẫn của Ngài, qua sự bao dung tha thứ của Ngài dành cho chúng ta, là những con người yếu đuối, mỏn dòn, qua những ân huệ Chúa ban cho chúng ta trong từng hơi thở, từng giây phút, từng biến cố.

Tạ ơn Chúa đã luôn kiên nhẫn chờ đợi con. Này con xin đến[5] để đáp lại tình Chúa yêu con. Này con ăn năn, hối cải để trở về với tình thương của Chúa. Này con hân hoan ca tụng Chúa[6] vì muôn ngàn đời Chúa vẫn chờ đợi con, Chúa vẫn yêu thương con và Chúa vẫn trọn tình thương[7].

Maria Quỳnh Anh (Khấn tạm), FMI


[1] https://ngoiloivn.net/suy-tu/y-nghia-mua-vong/

[2] x. Lc 15, 11-32.

[3] Lumen Gentium, số 11.

[4] Therese Trần Thị Kim Thoa, Chờ đợi-Một dấu chỉ của Lòng Thương Xót, https://dongten.net/cho-doi-mot-dau-chi-cua-long-thuong-xot/.

[5] x. Tv 40, 8

[6] x. Lc 1, 46-47

[7] x. Tv 106, 1