Ngôi Lời Nhập Thể - Quà Tặng Diệu Kỳ

Nhập Thể là một mầu nhiệm, mà đã là mầu nhiệm thì vượt quá trí hiểu và sự thông suốt của con người.


Quà tặng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Đó là một trong những dấu hiệu cho thấy sự thiết lập của một tương quan bởi không ai bỗng dưng tặng quà cho người mà mình không hề quen biết. Mỗi món quà đều có những ý nghĩa khác nhau. Có những món quà mang tính cách xã giao như giúp xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các đối tác làm ăn; giúp doanh nghiệp tri ân và giữ chân khách hàng thân thiết; giúp đồng nghiệp, nhân viên bày tỏ lòng kính trọng đến nhau và đến những cấp cao hơn…Nhưng cũng có những món quà chỉ thuần túy mang ý nghĩa tinh thần. Có những món quà khiến ta vui sướng, có những món quà làm ta ấm lòng… Có những món quà chỉ khiến ta lưu tâm trong chốc lát nhưng cũng có những món quà ta mang theo suốt cả cuộc đời. Ý nghĩa của những món quà tùy thuộc vào mối tương quan của ta với người nhận. Càng thân thiết, quý mến thì ý nghĩa của món quà sẽ càng đi vào tầng ý nghĩa tinh thần, đụng chạm đến chiều sâu trong bản thân người trao tặng. Khi đã trở nên thân thiết, gắn kết thì những món quà không còn dừng lại ở khía cạnh vật chất nhưng đôi lúc nó là kết tinh của bao nỗ lực, cố gắng, và có lúc là sự hi sinh của cả cuộc đời.

Từ những cảm nhận rất con người ấy, ta phần nào cảm nếm sự ngọt ngào và vô cùng quý giá của món quà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại. Ngay từ thuở ban sơ, Thiên Chúa đã cất công chuẩn bị cho con người một món quà vô giá, đã ấp ủ và tỏ lộ bằng nhiều cách cho con người để mong con người cảm nhận được một tình yêu tuyệt đối của Đấng Tạo Thành. Thiên Chúa kiên nhẫn qua cả chặng đường dài lịch sử qua các ngôn sứ, các sứ giả đi trước. Cuối cùng, món quà ấy được kết tinh trọn vẹn nơi Người Con Chí Ái của Người là Đức Giêsu Kitô qua mầu nhiệm Nhập Thể. Được coi là vô giá bởi món quà này được phát xuất từ chính “cung lòng” của Chúa Cha. Người đặt trọn sáng kiến và tình yêu vào món quà này khi cho Ngôi Hai xuống thế làm người, cùng chung chia Thiên Tính với Người. Bởi thế, Đức Giêsu mang nơi mình sự phong nhiêu của tình yêu, ân sủng và ơn cứu độ của Chúa Cha.

Qua mầu nhiệm Nhập thể, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cự ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1, 14). Một con người mang tên Giêsu được sai đến với mọi người, đã nói lời của Thiên Chúa và kiện toàn mặc khải của Thiên Chúa tối cao[1]. “Ngài dấu đi những công phúc và những gì là cao cả của danh hiệu Con Thiên Chúa mà chọn sự khiêm hạ sâu thẳm nhất là mặc lấy hình dạng một con người[2].  Con người ấy được sinh ra bởi Đức Maria và việc sinh hạ ấy nằm trong khung của lịch sử thế giới vĩ đại: năm thứ mười lăm triều đại của hoàng để Tiberius, thêm vào đó là vị tổng trấn La Mã và tiểu vương Galile, Iturea và Trachonitis, cũng như Abilene và vị thượng tế (x. Lc 3, 1-2)[3]. Hài Nhi ấy đã bước qua lịch sử của nhân loại, sống cuộc sống con người và bước đi trong cuộc hành trình của con người đích thực[4]. Nhờ Ngài và qua Ngài, con người mới có thể cảm nếm dễ dàng và thực sự hơi ấm của yêu thương, mới có thể đụng chạm đến con tim của Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, con người được kề sát Thiên Chúa, lòng kề lòng và con người cảm nếm được một Thiên Chúa hiện hữu thật sự với những cung bậc của kiếp sống con người. Một Thiên Chúa không hề xa lạ, chỉ biết nhìn con người từ phía trên cao nhưng là một Thiên Chúa ở giữa con người, sống kiếp con người và thấu cảm hết mọi suy nghĩ, khiếm khuyết của phận làm người. Không những thế, nơi Hài Nhi bé nhỏ, ân sủng đã được tỏ hiện cho nhân loại. Ân sủng vực con người ra khỏi bùn lầy của tội lỗi và xa cách với Thiên Chúa. Nói như Thánh Irénée: "Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người". Người đã hóa kiếp con người để từ đây con người được phục hồi bản tính nhân loại đã bị hư mất của mình và thông phần vào bản tính thần linh của Ngài. Quả thế, “mầu nhiệm Thiên Chúa làm người là cột trụ đầu tiên của sự cứu chuộc[5]. Đức Giêsu đến thế gian là để cứu những người tội lỗi, phá tan công trình của ác thần và ban ân sủng cứu độ. Ngài đến để tìm kiếm và cứu chữa những ai đang hư mất. Ngài không lên án hay xét xử con người theo như tội mình đã phạm nhưng để cứu vớt con người đang lạc đường trong tội lỗi. Ngài ban sức mạnh và sự ơn giải thoát cho những ai đang thất vọng ê chề. Những đau khổ, bế tắc của con người giờ đây trở thành niềm hi vọng qua Ngôi Hai làm người bởi “Con Thiên Chúa đến mang lại cho chúng ta ơn cứu độ và cuộc sống sung mãn[6].

Nhập Thể là một mầu nhiệm, mà đã là mầu nhiệm thì vượt quá trí hiểu và sự thông suốt của con người. Điều đó không có nghĩa là con người hoàn toàn vô tri và bất lực trước mầu nhiệm nhưng đây là một lời mời gọi luôn luôn mở để con người không ngừng khám phá và cảm nếm. Mầu nhiệm Nhập Thể quả thật là một chân trời bao la của hành trình yêu thương, hành trình “nhiệm mầu” và hành trình ấy không bao giờ hoàn tất nhưng luôn phong phú và mở ra mãi. Dù cho con người có khép kín hay mở lòng đón nhận thì Chúa vẫn đến và sẽ đến trao ban cho con người món quà vô giá. Ước mong sao là một người sống đức tin, chúng ta không hờ hững và thờ ơ trước quà tặng thần linh của Ngài nhưng biết đón nhận với tất cả tình yêu, sự trân quý và niềm hân hoan vui sướng để Chúa có thể “thực sự” đến trong tâm hồn ta vào Mùa Giáng Sinh năm nay.

Maria Thái Thanh (Khấn tạm), FMI


[1] x.Dei Verbum, s. 7

[2] Benedicto XVI, Niềm Vui Đức Tin, Nxb Hồng Đức. 2013, tr. 42

[3] x. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth- Phần III, Nxb Tôn Giáo, tr. 93

[4] x.Gerard H. Luttenberger, Dẫn Vào Kitô Học Trong Các Tin Mừng Và Hội Thánh Tiên Khởi, Nxb Tôn Giáo. 2011, tr.212

[5] Benedicto XVI, Huần từ năm B, chuyển ngữ Lưu Văn Lộc. Nxb Tôn Giáo.2011, tr.41

[6] nt, tr.235