Nhiệm Mầu lời ngỏ của Tình Yêu

Ngài đã vạch một con đường từ trời cao đến trần thế và đem ơn cứu độ cho con người. Và từ nơi trần thế, giờ đây con người có thể bước đi bằng chính “đôi chân” của mình để đến gần Thiên Chúa bằng ân sủng và tình yêu.  


Giáng sinh về, hang đá với những ánh đèn màu nhấp nháy vui mắt bỗng đã trở nên quen thuộc với bao người. Giáng sinh đã trở nên một lễ hội cho toàn thế giới tự lúc nào không hay. Nhưng đối với người Ki-tô hữu, ngoài những niềm vui được coi là lễ hội ấy. Họ được mời gọi chiêm ngắm một Mầu Nhiệm nơi một trẻ thơ được sinh ra, bọc tả, đặt nằm trong máng cỏ. Nơi hang đá lộng lẫy, hay đơn sơ Ngài vẫn là trọng tâm để niềm vui lễ Giáng sinh được nên trọn vẹn. Và như thế, Mầu nhiệm Giáng sinh khởi đầu cho một cuộc phiêu lưu giữa Thiên Chúa và con người.

Tình yêu tự hạ của Ngôi Lời Nhập Thể

Cuộc phiêu lưu ấy được chúng ta chiêm ngắm bắt đầu nơi trẻ thơ Giê-su trong hang đá, một vị Thiên Chúa cao sang đã mặc lấy xác phàm đến ở với chúng ta. Đó là một mầu nhiệm tự hạ của tình yêu. Mầu nhiệm ấy được biểu lộ nơi sự bất lực nơi một trẻ thơ, dễ tổn thương, mềm yếu, cần được bống bế trên tay, cần tình người để sưởi ấm,

Mầu nhiệm tự hạ khiến Thiên Chúa giàu sang, phú quý lại chấp nhận sự nghèo hèn, đơn sơ, nơi cuộc sống trần thế ở gia đình Nazaret, bé nhỏ, lặng lẽ với nghề thợ mộc. Ngài được lớn lên nhờ bàn tay của Cha mẹ trần thế và chính sức lao động của mình. Ngài còn vâng phục Cha mẹ như bao người con hiếu thảo khác. Như thế, tình yêu tự hạ của Ngôi Lời Nhập Thể nói với chúng ta rằng: “Ta đã yêu con bằng tình yêu muôn thuở” ( Gr 31,3). Chính tình yêu muôn thuở ấy mà Ta đã đến với con, bất chấp những chối từ, sự vô ơn và phản bội. Tình yêu tự hạ của ta đối với con rất chân thành, không khoa trương nhưng thật thầm lặng. Điều này mang lại cho con niềm vui vô giá.  

Tình yêu tự huỷ nơi Mầu Nhiệm thập giá

Từ nơi hang đá cho phép chúng ta ngước nhìn lên, một mầu nhiệm được biểu lộ sau mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm thập giá. Đó là đỉnh điểm tình yêu của một vị Thiên Chúa đang ngỏ với con người. Mầu nhiệm tự huỷ chấp nhận sự khinh khi, nhục mạ, phỉ báng và bị giết chết như một tên tử tội vì tội lỗi chúng ta. Tình yêu tự huỷ đã biến Ngài từ một Thiên Chúa quyền năng trở nên trò cười cho thiên hạ. Mầu nhiệm thập giá nói gì với ta: Mầu nhiệm ấy nói với ta rằng: Tình yêu đòi hỏi sự hy sinh, bỏ mình đi, chết đi cho những ý riêng để phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Tự huỷ là đón nhận sự hiểu lầm, biết tha thứ và bao dung cho những người làm tổn thương ta, nhận thiệt thòi về mình để người khác được hạnh phúc. Đó là sự khát khao yêu và được yêu.

Tình yêu tự hiến nơi Bí tích Thánh Thể

Nếu như tình yêu tự huỷ nơi mầu nhiệm thập giá cho chúng ta cảm nhận Thiên Chúa khát khao yêu thương chúng ta là dường nào. Thì giờ đây, sự khát khao ấy, đã trở nên hiện thực hoá nơi tấm bánh bánh nhỏ trên bàn thờ. Ngài ẩn mình nơi Nhà Tạm lặng lẽ bên cây đèn chầu bầu bạn ngày đem. Tình yêu tự hiến làm cho Ngài tan biến trong ta, Ngài muốn hoà tan cùng ta trong máu thịt để nuôi sống linh hồn ta. Tình yêu tự hiến trong Bí tích Thánh Thể nói gì với ta. Ngài nói với ta rằng: Ta muốn ẩn mình trong trái tim con, muốn trò chuyện cùng con mỗi ngày, muốn xin một chút sự quan tâm, yêu thương của con trong một ngày sống bận rộn của con. Ta muốn trên đường về quê trời con không còn cô đơn, sợ hãi vì đã có ta bên cạnh. Ta sẵn sàng hy sinh tất cả vì con.

Tắt một lời. Con đường của mầu nhiệm tự hạ, tự huỷ, tự hiến là con đường tình yêu Thiên Chúa nối kết với con người. Ngài đã vạch một con đường từ trời cao đến trần thế và đem ơn cứu độ cho con người. Và từ nơi trần thế, giờ đây con người có thể bước đi bằng chính “đôi chân” của mình để đến gần Thiên Chúa bằng ân sủng và tình yêu.  

Xin Chúa cho mỗi người chúng con hiểu được tình yêu của Chúa đối với chúng con sâu thẳm dường nào để chúng con không còn chọn điều gì ở thế gian này hơn Chúa. Vì chúng con biết rằng, mọi sự thế gian này sẽ qua đi, chỉ mình Chúa là còn mãi.

M. Catarina Nguyễn Thị Tâm (Khấn tạm), FMI