Tòa giải tội- góc tâm sự của mọi tâm hồn

Một người ngoài công giáo từng nói với tôi: “Người công giáo có chuyện xưng tội là được tha, nghe dễ dàng quá”.


Nhân một chuyến đi tham dự Thánh Lễ tại Giáo xứ Đá Hàn – Huế, nơi đó có một tòa giải tội tôi chưa thấy bao giờ. Hoa văn được dùng là những đường xoắn ốc tinh xảo, đường viền tròn kết hợp đường lượn sóng, gần giống chiếc mũ dành cho các vua chúa, dáng cao và trông rất chắc chắn. Điều đó chưa phải là điều tôi quan tâm cho bằng tượng Chúa được khắc nổi trên nền gỗ. Tượng này được đặt ở phía bên hối nhân. Quan sát kỹ, tôi thấy nơi ngực của bức Tượng có nhiều lỗ nhỏ, nhằm mục đích thông qua bên đối diện.

Nhìn mô hình thiết kế, tôi nghĩ đến tác giả, người đã có một ý tưởng rất hay, đúng và ý nghĩa. Chúa chính là người tha tội cho mỗi người chúng ta. Chúng ta đến với tòa giải tội là đối diện với Chúa qua vị Linh mục- thừa tác ơn tha thứ của Chúa. Khi bước đến tòa, hối nhân quỳ gối, đầu áp sát ngực Chúa như đang tựa vào lòng Chúa để được vòng tay choàng lấy; được con tim Yêu thương của Chúa ôm ấp, vỗ về những ai đang đau đớn; nâng đỡ những ai đang sầu thương thất vọng và xóa đi những khoảng cách của tội lỗi làm chúng ta xa cách Chúa và anh em. Những lỗ li ti châm đầy ngực tượng Chúa, cũng chính là những mũi đòng Chúa đã, đang và tiếp tục chịu lấy vì chúng ta. Chúa đón nhận chúng ta với tất cả những gì yếu đuối, tội lỗi; chỉ vì Ngài muốn chúng ta cải thiện đời sống hầu sống tốt hơn mỗi ngày. Sống tốt chính là đi trên con đường Tin Mừng. Con đường có hạnh phúc đích thực và sự sống mai sau.

Ngày nay, khi hỏi một số bạn trẻ đi làm ăn xa về việc xưng tội, phải thành thật rằng, tôi nghe được nhiều câu trả lời “lâu rồi chưa xưng tội”. Lâu là bao lâu? Không ai biết, không ai nhớ nhưng Chúa, Chúa nhớ và Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về sau những sai phạm, lỗi lầm. Đối nghịch với tình trạng ít khi xưng tội, hay chỉ xưng theo quy định được ghi trong Sách Giáo lý Giáo Hội thánh Công giáo số 2042: "mọi tín hữu buộc phải xưng tội trong một năm ít là một lần”, thì vẫn có nhiều người siêng năng xưng tội. Tôi là một trong những trường hợp đó. Không hẳn là siêng năng nhưng đúng hơn là làm theo một trình tự đã được sắp xếp trong mỗi dịp tĩnh tâm tháng. Hai tình trạng khác nhau nhưng không thể so sánh và đánh giá chắc chắn điều nào tốt hơn. Vì nó hệ tại ở tấm lòng của mỗi người. Nếu chưa xưng thú mà lòng khao khát hối lỗi, chạy đến với Chúa dưới nhiều hình thức, thì đó là một điều tốt lành. Ngược lại, nếu xưng thú thường xuyên mà không ăn năn hối cải, thì cũng không đem lại ích lợi gì.

Người tìm đến Bí tích hòa giải (BTHG) ít nhiều đều có ý thức về những tội lỗi, sai lầm của mình và có ý hối cải, thay đổi đời sống. Nếu không đến với BTHG, có chăng là đang thiếu đi sự nhảy cảm đối với tội lỗi của chính mình? Việt Nam có những đợt đặc xá cho hàng loạt tù nhân dịp ngày 2/9. Chúa không tha theo kiểu vua chúa trần gian. Nơi Bí tích giải tội, Chúa tha, Chúa xóa tất cả những lỗi lầm của chúng ta; chữa lành những vết thương tâm hồn; thêm sức, giúp chúng ta mạnh mẽ chống lại trước cám dỗ của ba thù. 

Một người ngoài công giáo từng nói với tôi: “Người công giáo có chuyện xưng tội là được tha, nghe dễ dàng quá”. Có lẽ, vì suy nghĩ quá dễ dàng mà nhiều người cho rằng nó không đem lại ơn ích thực sự? Giáo lý HTCG số 1491 viết: “Bí tích Thống Hối bao gồm ba hành vi của hối nhân và sự xá giải của tư tế. Ba hành vi của hối nhân là: thống hối; xưng tội với tư tế; quyết tâm làm việc đền tội và các việc đền bù”. Như vậy, nếu hiểu sâu xa thì không hẳn là dễ. Vì không chỉ nói ra những tội đã phạm nhưng còn là quá trình nhìn nhận sai lầm, đền bù và sửa đổi không ngừng.

Chúa dễ dàng tha thứ cho chúng ta. Vậy chúng ta chỉ cần đến, nghiêng đầu vào lòng Chúa; việc còn lại, Chúa sẽ liệu.

Nt. Maria Dương Khiêm, FMI