Đức Maria - Người nữ của ân sủng

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 29)


Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 29)

Lời chào của sứ thần Gabrien trong biến cố Truyền tin đã diễn tả cụ thể con người và đặc ân cao vời của Đức Maria. Mẹ là Đấng đầy ân sủng của Thiên Chúa và Thiên Chúa lấy danh xưng này để đặt cho Mẹ. Vì thế, Mẹ không chỉ là một thụ tạo mà Mẹ còn là một tuyệt tác vô cùng quan trọng trong chương trình cứu độ của Người. Khi chiêm ngắm Mẹ trong tên gọi đặc biệt này, tôi cảm nghe được sự cao quý, thánh thiện khởi đi từ nơi Mẹ. Cả cuộc đời của Mẹ được bao phủ bởi tình yêu Chúa. Và không phải tự nhiên Mẹ có được diễm phúc này nhưng bởi trong Mẹ có Chúa – Mẹ đã tin và Mẹ đã sống đẹp lòng Chúa trong vai trò nữ tỳ khiêm hạ.

Mẹ đầy Ân Sủng bởi Mẹ có Chúa

Trong các trang Tin Mừng cũng như sách Thánh, rất hiếm khi chúng ta tìm được những trang viết về thời thơ ấu của Mẹ, không biết Mẹ đã sống trong gia đình như thế nào? Trí hiểu biết ra sao? Hay ít là em bé Maria đã sống niềm tin yêu vào Thiên Chúa qua những việc cụ thể nào? Chỉ biết rằng Đức Maria được giới thiệu là con của bà Anna và ông Gioan Kim và từ lúc 3 tuổi Mẹ đã dâng mình cho Chúa. Cựu ước cũng tiên báo về một người nữ có vai trò quan trọng trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa với những hình ảnh Mẹ là hòm bia Thiên Chúa (Xh 25, 10-22), Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai (Is 7,14). Nhưng đến với những trang đầu của Tin Mừng theo Thánh sử Luca, chúng ta được bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ Maria thật rõ nét qua sứ điệp truyền tin của Sứ thần Gabrien. Mẹ được chào là Đấng Đầy Ân sủng Mẹ có Đức Chúa ở cùng (Lc 1,28). Chắc hẳn Mẹ đã có một tình yêu thật lớn dành cho Thiên Chúa từ thưở ấu thơ, một tâm hồn thánh thiên, sốt mến phụng thờ nhà Chúa thì Thiên Chúa mới đoái nhìn đến Mẹ như vậy. Thiên sứ như đang chúc tụng Mẹ và khẳng định cho Mẹ sự hiện diện của Thiên Chúa trong Mẹ và qua Mẹ để thế trần nhờ Mẹ mà đón nhận một Đấng Thiên Sai. Mẹ có Chúa nên sự việc có đến một cách bất ngờ thì Mẹ vẫn chọn đối thoại để được soi sáng và khẳng định niềm tin (Lc 1,34). Mẹ có Chúa nên Mẹ sẵn sàng đáp lại lời FIAT XIN VÂNG (Lc1,38). Mẹ có Chúa nên tâm hồn Mẹ luôn cất cao lời ca tạ ơn-Magnificat (Lc 1,46-55). Lời ca khen, loan báo của sứ thần dành cho Mẹ không dừng lại ở giây phút đó nhưng trọn cuộc đời Mẹ vẫn được chúc khen công trạng tuyệt mỹ của Mẹ. Với trọn niềm xác tín có Chúa, yêu Chúa và muốn thực hiện thánh ý Người, Mẹ Maria xứng đáng với tên gọi đầy Ân sủng và xứng đáng để Thiên Chúa ở cùng Mẹ.

Mẹ Đầy Ân sủng bởi Mẹ tin

Khi tìm hiểu về lòng tin nơi Mẹ, tôi nhớ đến câu hỏi của một Chị hỏi chúng tôi: “Nếu Tổ phụ Ápraham được gọi là cha của những người tin thì Đức Maria sẽ được gọi là gì? Có chị trả lời: Mẹ được gọi là Mẹ của những người tin, có chị trả lời là bà ngoại, bà nội, bà cố… Có rất nhiều câu trả lời khác nhau nhưng phần nào cho thấy được một đức tin lớn lao, tuyệt đối nơi Mẹ. Mẹ không nói rằng tôi tin, tôi xác tín vào Thiên Chúa nhưng Mẹ đã dùng sự đáp trả cách cụ thể với lời xin vâng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Lời xin vâng âm thầm, tưởng chừng đơn giản, dễ thực hiện đó được thốt lên bởi lòng tin của một người nữ và Mẹ đã phải đánh đổi rất nhiều để có thể sống được lời FIAT đầy mạo hiểm đó. Lời FIAT mạo hiểm bởi Mẹ sẽ có những bối rối: một thiếu nữ nhỏ bé thế này sao có thể được làm Mẹ Thiên Chúa, phải giải thích thế nào cho bạn Giuse, cho cha mẹ, cho họ hàng thân thuộc về sự xuất hiện của một hài nhi trong dạ của mình? Và đỉnh cao của lời FIAT là cuộc hạ sinh Chúa Giêsu – Đấng Emmanuel trong cảnh bần cùng, khốn khổ khác xa với những gì được loan báo. Tất cả sẽ thử thách đức tin của Mẹ nhưng lời thưa với trọn niềm phó thác đó đã giúp Mẹ vượt thắng nhưng nghi ngại, những trăn trở cho hành trình mang Chúa đến cho nhân loại.

Mẹ Đầy Ân sủng vì Mẹ đã sống đẹp lòng Chúa trong vai trò nữ tỳ khiêm hạ.

Ân sủng của Thiên Chúa đã ở cùng Mẹ trong mọi giây phút Mẹ sống và thực thi sứ mạng của Người với vai trò nữ tỳ. Mẹ nhìn nhận mình chỉ là phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới (Lc 1,48). Mẹ có nhiều công trạng để được tôn vinh, chúc tụng nhưng Mẹ luôn nhìn nhận tất cả đều là ân sủng Chúa ban cho Mẹ. Suốt hành trình dong duổi cùng Chúa Giêsu, bao nhiêu trái ý, bao nhiêu khó khăn, Mẹ vẫn trung thành là một người nữ, người Mẹ của Chúa, hiện diện âm thầm để san sẻ cùng con. Và cho đến giây phút cuối đời của Con, Mẹ vẫn can đảm, chấp nhận cảnh đau đớn của con mình. Mẹ vẫn đứng đó, là một người nữ kiên trung, trở nên sức mạnh cho Chúa Giê-su trong giây phút cuối đời. Đó là một người nữ của muôn người nữ trên trần gian này, là họa ảnh để những người nữ thánh hiến học đòi, bắt chước và nên giống Mẹ trong vai trò người nữ tỳ khiêm hạ.

Cùng với Mẹ đón nhận Ân sủng Chúa

Chiêm ngắm Mẹ trong dòng chảy của Ân sủng Chúa, tôi cảm nghiệm được Mẹ thật tuyệt vời, Mẹ xứng đáng với danh hiệu Đầy Ân sủng và Mẹ xứng đáng để muôn thế hệ chúc khen. Tôi thật hạnh phúc vì được là con riêng của Mẹ. Qua Mẹ, tôi cũng thấy mình là một người nữ đầy Ân sủng của Chúa. Tôi được Thiên Chúa yêu thương bao bọc trong cánh tay của Người. Tôi được diễm phúc sống trong Hội dòng và mỗi ngày sống linh đạo Thánh Mẫu “Sống tình con thảo đối với Đức Trinh nữ Maria Vô Nhiễm” (HL điều 3). Tôi được là một Tập sinh với những ân ban đặc biệt mà Chúa và Hội dòng đang dành riêng cho tôi. Một ngày sống đến với tôi trong vô vàn những ân sủng. Ân sủng được hít thở một bầu không khí trong lành, bình yên mà không tốn một đồng nào. Ân sủng được hiện diện bên Chúa thật thâm sâu để lắng nghe và trò chuyện với Người. Ân sủng mạnh khỏe hồn xác để dâng lời ca khen, chúc tụng Chúa và học hỏi theo chương trình chung trong Tập viện. Ân sủng được dư đầy những điều kiện vật chất, tinh thần mà quý chị em trao ban. Ân sủng được kết dệt những hi sinh bé nhỏ hằng ngày để dâng lời cầu nguyện cho Giáo hội, cho thế giới, cho Hội dòng, cho Gia đình, cho người nghèo, …

Cùng với Mẹ, tôi đón nhận ân sủng Chúa ngang qua những ân ban Chúa dành cho tôi - một Tập sinh trong Hội dòng. Mẹ dạy tôi ý thức và sống trước sự hiện diện của Chúa trong mỗi giây phút. Mẹ nhắc tôi nhìn lại hành trình đức tin của mình để mỗi ngày nuôi dưỡng và làm cho hồng ân này được lớn lên từ những biến cố trong cuộc sống, trong tương quan với Chúa, với tha nhân và với bản thân. Và hơn bao giờ hết, tôi được mời gọi tiếp tục sống tinh thần của người nữ tỳ khiêm hạ để xứng đáng với ân sủng Chúa thương ban cho tôi trong năm Sa mạc hồng ân này.

Maria Thu Thủy (Tập sinh), FMI