Hạt giống bất diệt

Đức Kitô thực sự đã mục nát trong thân phận con người nhưng sự sống lại của Ngài là bất diệt, đem lại ơn cứu độ cho loài người.


Tôi được sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo. Nơi tôi sống nghề nghiệp chủ yếu là làm nông. Ba mẹ tôi cũng là nông dân “chân lấm tay bùn”, cái nghề mà mọi người thường gọi là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhọc nhằn, khó khăn lắm nhưng ba mẹ vẫn gắn bó. Có lẽ nó là cái nghề truyền kiếp từ ông bà cố tổ cho đến ba mẹ tôi, nó dễ giúp ba mẹ tôi mưu sinh, nuôi chị em tôi khôn lớn.

Tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ tôi đi chăn bò ở nơi cánh đồng bạt ngàn lúa chín thật thích thú và trong lành. Tôi cùng với đám bạn vui chơi nơi những bãi đất rộng mà quên cả việc về nhà. Cũng có khi vì ham chơi mà tôi bị “đòn” vì bò ăn lúa của người ta, những giọt nước mắt hối lỗi vẫn còn đọng lại trong tôi cho tới bây giờ. Nhớ lại kí ức, tôi như sống lại tuổi thơ thích thú ấy, nhưng lại chợt tiếc nuối vì nhìn thấy thực tại bây giờ không còn những cánh đồng như thế nữa, thay vào đó là các khu công nghiệp mọc lên, nào bụi, nào khí độc, nào ô nhiễm nguồn nước. Nhà nào cũng phải sắm một máy lọc nước mini để dùng vì không có nước sạch. Nghĩ mà đắng lòng.

Những ngày sắp đến mùa vụ, ba mẹ phải mau mắn đi mua giống lúa tốt để gieo. Chọn lựa giống lúa để có năng suất cao và cơm ngon thật không dễ, nhưng với kinh nghiệm làm nông lâu năm thì thật dễ dàng. Sau khi đã chọn được giống tốt, ba mẹ hì hục làm đất, tính toán thời gian để gieo cho kịp thời vụ. Nào là sàng lúa để loại hạt lép ra, rồi ngâm bằng nước ấm, rồi ủ, và thường xuyên kiểm tra chăm sóc để hạt giống nảy mầm tốt và vừa mức để gieo. Chưa nói đến chuyện là miền Trung mùa đông lạnh giá, ba mẹ phải kiếm chăn để ủ ấm cho giống lúa. Hạt lúa bị ngâm nhiều trong nước nên có mùi hơi thối nên mẹ tôi thường ngâm lúa ở một nơi riêng chứ không ngâm trong nhà. Khi tất cả đã được chuẩn bị sẵn, đến ngày đã định, hạt lúa nảy mầm sẽ gieo vào nơi đã được chuẩn bị chu đáo cho nó. Tôi thường hỏi mẹ “Tại sao không gieo hạt lúa khô mà lại phải gieo hạt lúa đã nảy mầm?”. Mẹ tôi mỉm cười trả lời “Hạt lúa khô khi vãi xuống dễ bị chim trời và côn trùng ăn mất, nó rất khó nảy mầm, mà nếu có nảy mầm thì cây lúa mọc lên cũng không khỏe mạnh, dễ cho hạt lép. Còn hạt lúa nảy mầm đã được chăm sóc, nó khỏe mạnh nên khi gieo vào đất, nó đủ kiên cường để chống chọi với mưa nắng của đất trời”. Tôi gật gật đầu, mỉm cười nhìn mẹ cách ngưỡng mộ vì những kinh nghiệm mà mẹ có được. Kể từ ngày gieo, tôi chỉ thấy ba mẹ quẩn quanh với ruộng đồng, hôm không làm cỏ lại đi bắt ốc hay bón phân, dẫn nước vào ruộng. Có hôm trời nắng nóng, gió Lào đến cháy da, ba mẹ tôi mặt buồn rười rượi, đăm chiêu nghĩ về những ruộng lúa đang phải chống chọi với thiên nhiên mà bất lực. Rồi khi lũ về, ba tốc tả chạy đi trong mưa để tháo nước ra khỏi ruộng, tránh cho cây lúa khỏi bị ngập nước lâu ngày. Tôi thường xuyên nhìn thấy đôi vai gầy của ba mang theo bình thuốc sâu nặng trịch, ba sải từng bước chân hằn sâu trong đất. Nghĩ mà thương ba quá.

Ai sinh ra cũng mong muốn cuộc sống của mình nhàn hạ và thảnh thơi. Chẳng ai muốn mình phải vất vả để làm những điều gian khổ cả. Nhưng ba mẹ tôi đã chọn nghề nghiệp của ông bà để lại, dù vất vả nhưng vẫn có cơm ăn, nuôi chị em tôi ăn học. Những ngày lúa chín vàng ngoài đồng thì cũng sắp đến lúc kết thúc vụ mùa. Bao giọt mồ hôi đổ xuống trên đồng được đổi bằng những hạt gạo trắng ngần và niềm vui được mùa của người nông dân chăm chỉ. Ba mẹ tôi cũng chẳng giấu được niềm vui với thành quả sau bao tháng ngày làm việc vất vả. Sáng tinh sương, khi gà còn chưa cất tiếng gáy báo hiệu ngày mới, ba mẹ đã thức giấc chuẩn bị để ra đồng. Công việc gặt hái tưởng chừng như đơn giản nhưng kì thực rất khó. Nào tay trái vơ gọn các kẽ lúa, tay phải sẵn sàng liềm, đưa một đường vòng cung thật ngọt, uyển chuyển được lặp lại cả trăm lần. Tôi đã học gặt lúa nhiều rồi nhưng vẫn thấy khó lắm, tôi cũng không đủ sức bó lúa. Đôi tay ba mẹ đã trở nên đỏ hoe, trầy xước ngang dọc, nhưng vẫn đưa theo nhịp thoăn thoắt như được lập trình vậy. Những ngày mùa, chị em tôi ăn cơm một mình, ba mẹ mang cơm ra đồng để ăn và gặt cho kịp thời vụ. Thương ba mẹ vất vả, chị em tôi ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Tôi giúp ba mẹ làm việc nhà và chăm sóc các em.

Ba mẹ đã hy sinh tất cả vì chị em tôi mà chẳng than van, chờ đền đáp. Ba mẹ chỉ mong chị em tôi học thật giỏi, thật ngoan để trở nên người tốt, sau này có công việc ổn định, không phải làm nông vất vả như ba mẹ. Đặc biệt là tôi, đứa con gái một, ba mẹ ao ước tôi đi tu. Nhờ sự giáo dục trong gia đình và sự thúc đẩy của ba, tôi chăm chỉ học hành và chỉ muốn dâng mình cho Chúa để phục vụ tha nhân. Tôi đã chọn đi theo Chúa trong Hội dòng và hạnh phúc sống ơn gọi mà tôi đã chọn.

Vào Dòng, tôi được tiếp xúc, chia sẻ và cầu nguyện nhiều với Lời Chúa. Những hình ảnh quen thuộc, gắn bó với tôi lại được xuất hiện trong Tin Mừng: người gieo giống, ruộng lúa, cây lúa tốt, hạt lúa. Tôi nhận ra những hình ảnh đó tự bản chất nó không còn là nó nữa nhưng mang một ý nghĩa thật sâu sắc. Tôi thấy Lời Chúa thật gần gũi biết bao.

Khi suy gẫm dụ ngôn “người gieo giống ra đi gieo giống” (Mt 13,1-9), hình ảnh của ba lại chợt ùa về trong tôi. Ba mang một thúng giống bên hông hì hục gieo vãi trong ruộng lúa khi tới thời vụ. Hình ảnh của ba tôi gieo hạt giống cũng như những công đoạn chuẩn bị cho vụ mùa giúp tôi cảm nghiệm sâu sắc hơn về tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho tôi. Ngài quả là “người gieo giống quảng đại” vì đã chọn tôi và gieo hạt giống Lời Ngài trong tôi dù tâm hồn tôi như thế nào. Ngài vẫn hy vọng hạt giống ấy sẽ trổ sinh hoa trái. Lắm lúc tôi thấy tâm hồn mình như mảnh đất hoang thật khô khan, nhiều gai góc, sỏi đá, và hạt giống Lời Chúa khó mà trổ sinh hoa trái. Nhưng tình yêu Thiên Chúa là sức mạnh để hạt giống nảy sinh mầm sống mới, vì “Thiên Chúa cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Và tôi nhận ra rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28), chỉ cần tôi yêu mến Người là đủ.

Tôi chẳng thể nào hiểu được tại sao hạt lúa lại có một sức sống mãnh liệt như thế. Nhìn hạt lúa nhỏ bé, mỏng manh, yếu ớt như vậy tôi nhận ra một bàn tay kỳ diệu của Đấng đã tạo dựng nó và cho nó lớn lên. Ngài đã luôn bảo bọc nó, không bao giờ bỏ rơi nó dù trời giông to bão lớn. Những cảm nghiệm này đã giúp tôi rất nhiều khi tôi đứng trước nghịch cảnh của cuộc đời. Lắm lúc trong đời sống cộng đoàn gặp nhiều khó khăn và thách đố làm tôi chậm bước chân. Nhưng, tôi mạnh mẽ hơn khi biết rằng mình được Thiên Chúa bảo bọc, chăm sóc và yêu thương. Hình ảnh hạt lúa ngày nào ba mẹ gieo xuống đất như nhắc nhở tôi phải mục nát mới có thể sinh nhiều bông hạt được. Tôi nhớ đến lời Chúa Giêsu đã nói “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Nếu tôi chỉ là hạt lúa khô thì dễ bị chim trời ăn mất và mọc lên cây lúa yếu ớt. Tôi không thể chấp nhận một sự an toàn đến mức tầm thường, nhưng chấp nhận bị vùi dập để lớn lên và trưởng thành sau giông bão. Như hạt lúa chịu mục nát để trở nên bông lúa chín trĩu hạt, là dấu chỉ lương thực dồi dào cho cả gia đình tôi, giờ đây, tôi là hạt giống được Chúa gieo vào ruộng của Chúa là Hội dòng, cộng đoàn, giáo xứ để tôi trở nên dấu chỉ cho sự hiện diện của Ngài giữa trần gian, dẫn nhiều người về với Chúa.

Lúc còn nhỏ, tôi đã từng chất vấn thầy dạy giáo lý “Tại sao Chúa Giêsu lại chọn thập giá để cứu chuộc ta? Chúa quyền năng, Ngài có thể dùng cách khác mà”. Thầy đã không cho tôi một câu trả lời thõa mãn. Bây giờ, tôi không còn chất vấn nữa vì tôi đã cảm nghiệm sâu sắc giá trị của thập giá Giêsu qua hình ảnh hạt lúa mục nát. Từ hạt lúa Giêsu, sau khi chết đi đã trổ sinh một Hội Thánh phát triển và hoạt động mạnh mẽ để quy tụ loài người về một mối. Như lời của Thánh Phaolô “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt” (1Cr 15,42). Đức Kitô thực sự đã mục nát trong thân phận con người nhưng sự sống lại của Ngài là bất diệt, đem lại ơn cứu độ cho loài người. Câu nói lừng danh của Tertulianô “Máu các Vị Tử Đạo là hạt giống từ đó nẩy sinh nhiều tín hữu Kitô” đã giúp tôi nhận ra sự mục nát, hy sinh của các vị thánh thật có giá trị nảy sinh sự sống. Dù luôn bị ngăn cản, phá phách, bắt bớ, bách hại rất tàn bạo nhưng Hội Thánh vẫn lớn mạnh phát triển như ngày nay. Hội Thánh đã gieo những tư tưởng yêu thương, tôn trọng sự sống, nhân ái, đạo đức thánh thiện và bình an vào mọi khía cạnh của văn minh, văn hoá, đời sống, xã hội … của nhân loại, để biến đổi thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn. Cái chết của Chúa Giêsu đã khai sinh ra Hội Thánh của Ngài. Không chỉ là Chúa Giêsu mà các môn đệ của Chúa cũng phải là hạt lúa gieo vào thế gian và chết đi để sinh những hạt mới. Người môn đệ đích thực của Chúa thì đồng hình đồng dạng như Ngài, cũng chết vì tội lỗi, chết đi phần riêng con người của mình để sống cho Thiên Chúa, như Thánh Phaolô nói “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Xã hội hôm nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều nhà máy được mọc lên, đất trồng lúa giảm dần. Người ta cũng chọn làm công nhân hơn là nghề nông vì vất vả, ít thu nhập. Mỗi lần trở về quê, tôi không còn được ngắm nhìn cánh đồng bạt ngàn những ruộng lúa xanh mơn mởn. Cũng chẳng còn thấy những cánh đồng lúa chín vàng ươm nữa, chỉ lác đác vài ruộng lúa đâu đó thôi. Trong đó có ruộng của gia đình tôi, chỉ tiếc là một năm làm một vụ vì ba mẹ đã yếu sức. Lúa thu hoạch ít hơn nhưng vẫn đủ cho gia đình ăn cả năm. Nhìn cả nhà vây quanh mâm cơm tự tay mẹ nấu, hạt gạo từ công sức ba mẹ trồng, chị em chúng tôi hạnh phúc nghe ba cứ huyên thuyên kể bao nhiêu chuyện về cuộc sống của ba mẹ hồi xưa.

Hình ảnh hạt lúa lại hiện lên trong đầu tôi, hạt lúa đã mục nát để trở nên lương thực nuôi sống gia đình tôi. Ẩn dấu sau nó là tình yêu thương vô điều kiện của ba mẹ dành cho chị em tôi. Rồi khi trở lại Dòng, tôi cũng được nuôi dưỡng bằng những hạt gạo trắng ngần từ công sức của ai đó mà tôi không biết. Nhưng, một điều tôi luôn cảm nhận được đó là sự bảo bọc, yêu thương của Chúa dành cho tôi qua từng bữa ăn vật chất, và cả bữa ăn tinh thần. Hằng ngày, linh hồn tôi được dưỡng nuôi bằng Lời Chúa và Thánh Thể, nhờ Hạt Giống Bất Diệt Giêsu. Hạt Giống ấy nảy sinh sự sống giúp tôi mạnh mẽ hơn trong hành trình của người môn đệ. Và tôi an tâm vững bước vì có Chúa luôn ở cùng tôi “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139).

Maria Tuyết (Học viện SG), FMI