Cách con người đối xử với thiên nhiên

Những chú chim gần đó nghe tiếng kéo nhau chạy tới. Một con, hai con, một đàn, rất đông. Chúng đến để chia sẻ hay để cứu trợ?


Trước đây, ở những bãi cói (cây dùng để dệt chiếu), có rất nhiều cua cáy, nhưng giờ thì không còn nữa. Trước đây, những đàn chim sẻ đến đậu trên đống rơm mới để kiếm hạt thóc còn sót lại thì bây giờ thật hiếm để thấy những đàn chim sẻ như thế.

Mỗi dịp đầu năm, người ta thường đến nhà nhau để chúc Tết, cầu cho gia đình những điều tốt đẹp nhất. Cũng trong dịp này, tôi ngồi nghe các cụ nói chuyện. Những câu chuyện của những con người miền quê. Những câu chuyện vui và cũng đan xen những câu chuyện thực tế khiến nhiều người lắc đầu. Ngày xưa, để bắt được những con cua, con cá, người ta phải quăng chèo, phải kéo vó, … Ngày nay, để bắt được nhanh và nhiều hơn, người ta dùng đến điện, thả xuống nước, cá đơ cả bầy và dễ dàng thu vào giỏ cả con to lẫn con nhỏ. Để bắt được những con to thì cần để điện lâu, công suất cao. Như vậy những con nhỏ có thể chết ngay trong khi người ta không cần dùng đến. Không có con nhỏ thì làm gì có con to và đến một ngày sẽ cạn kiệt. Luật xã hội cấm không được sử dụng phương pháp đó để đánh bắt, nhưng lại có những người gạt bỏ tất cả vì cái gọi là miếng cơm.

Chúa tạo dựng muôn loài muôn vật cho con người hưởng dùng, nhưng lại có ai đó, vì lợi ích cá nhân mà khai thác, mà săn bắt, giết hại, đến mức chúng không có thời gian, cơ hội để sinh sôi nảy nở.

Hơn một lần, tôi nghe tiếng chim kêu to, nổi bật khác thường. Một người lạ mặt đi nơi này nơi nọ, cài một cái loa có tiếng chim, cộng với một chiếc que có dính nhựa. Đó là tiếng chim đã được thu và phát qua loa. Những chú chim gần đó nghe tiếng kéo nhau chạy tới. Một con, hai con, một đàn, rất đông. Chúng đến để chia sẻ hay để cứu trợ? Tôi không biết. Tôi biết chúng đến vì chúng nghe được tiếng của đồng loại. Dễ thương biết bao, hoà hợp biết bao. Ấy vậy, một người lạ mặt đã lợi dụng cái đẹp của thụ tạo để tóm gọm hết bầy chim sẻ đang kêu ríu rít. Khi những con chim bay đến, chúng đậu trên cành cây. Cành đó đã được bôi chất dính. Với thân hình bé nhỏ, chúng không thể đẩy mình ra khỏi bẫy. Đó là lý do người ta không thấy, hay ít còn chim sẻ xuống vườn lượm nhặt những hạt thóc, con sâu.

Nếu một người, hai người làm việc này thì chưa đến nỗi chúng phải mất tích hay hiếm hoi như bây giờ. Nhưng con số người bắt nhiều hơn. Những động vật nhỏ bé, đem lại giá trị kinh tế thấp mà còn bị tấn công như vậy, huống gì là những động vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó còn rất nhiều hình thức khai thác và sử dụng trái phép khác.

Ai có thể lên tiếng thay cho những động vật bé nhỏ này? Có rất nhiều người lên tiếng và cũng có rất nhiều người bịt tai không nghe. Thiên nhiên là quà tặng Chúa ban để con người sử dụng và làm chủ. Nhưng cách con người sử dụng mới thật quan trọng. Nếu tôn trọng và gìn giữ, thiên nhiên sẽ phục vụ con người. Ngược lại, con người sẽ phải gánh nhiều hậu quả và thực tế đã có: Đất đai suy thoái, biến đổi khí hậu, môi trường ngột ngạt, lũ lụt, bão gió, … Phải chăng đó là cách lên tiếng của những động vật, thực vật, của mẹ trái đất?

Một cây không thể làm nên rừng, nhưng rừng lại không thể thiếu từng cây góp lại. Thiên nhiên có thể ví như quê hương của sự bình yên, thư giãn, giúp loại bỏ những căng thẳng. Thiên nhiên chính là người mẹ- một người mẹ cần được chăm sóc và bảo vệ. Vì từ mẹ, nhờ mẹ mà chúng ta được chăm sóc, nuôi dưỡng và lớn lên từng ngày. Cách chúng ta đối xử tốt với thiên nhiên cũng chính là cách ta đối xử tốt với chính mình và với đồng loại.

Nt. Maria Dương Khiêm, FMI