Sự thành thật

Lòng thành thật và sự chân thành ngày nay bị nhiều thế lực bóp méo.


Sách Lê vi ghi lại lời Đức Chúa phán qua Mô-sê: “Các ngươi không được trộm cắp, không được nói dối, không được lừa gạt đồng bào mình” (Lv 19,11). Tôi nghĩ đó là chuyện của những người không ý thức, chuyện của những người nghiện ngập. Nhưng lại không ngờ, chuyện đó vẫn có thể xảy ra với cả người Công giáo. Tôi thấy, chung quy lại nó giống với tội “tham của người”.

Một người đến thanh toán tiền tại quán sửa chữa nhỏ. Theo kể lại, ông trên dưới 60 tuổi. Ông vô tình đánh rơi chiếc ví sau khi đã thanh toán với chủ cửa hàng. Lúc này, không ai trông thấy chiếc ví. Ông ra về. Một người khách thứ hai đến, cũng trao qua đổi lại mà vẫn không ai phát hiện ra chiếc ví. Người chủ quán bất giác phát hiện chiếc ví dưới đất liền nói: “ví của anh rớt phải không, cầm lên kìa!”. Người đàn ông trung tuổi cúi xuống, cầm chiếc ví, bỏ vào túi, rồi ra về như không có chuyện gì xảy ra.

Hai ngày sau, ông cụ mất ví mới phát hiện ra mình bị mất. Ông đã tìm khắp nơi, liên lạc những nơi mà ông đã đến trong thời gian gần nhất. Khi gọi điện thoại cho chủ quán. Ông chủ đã hỏi về hình dáng và màu sắc chiếc ví. Chủ quán nhớ ra là đã nói cho một người đàn ông và người đó đã lấy một cách tự nhiên như của mình. Rất may, vì người cùng quê, nên ông chủ biết và có thể dẫn dắt để ông cụ nhận lại chiếc ví của mình. Thử hỏi, khi mọi người đến, thì người đàn ông trung tuổi này sẽ như thế nào? Không phải của mình mà nhận là của mình thì một ngày nào đó cũng sẽ bị lấy lại. Đồng tiền nhận cách bất chính, không thêm được gì, ngược lại làm mất phẩm giá, thứ cao quý của con người.

Một lần nữa, những đồng tiền cuốn theo gió, bay vào cửa hàng. Ông chủ không biết của ai. Ông liền nhớ lại những người gần đây đã đứng gần quán. Ông gọi điện hỏi một anh em. Người nghe máy nhận ngay và cho đứa cháu xuống để nhận tiền rơi.

Ông chủ tin người, nghĩ là anh em, láng giềng, nghĩ là người có đạo thì thành thật. Cứ thế, ông không hỏi mất bao nhiêu, có những đồng gì…theo kiểu người ta thông báo tìm vật rơi. Ông chủ đưa ngay cho người cháu cầm về.

Hôm sau, một người phụ nữ vô tình đến quán, kể chuyện. “Cháu đi buôn được mấy đồng, không biết rút tiền trả kiểu gì mà rớt mất gần 500 ngàn”. Ông chủ hỏi ra thì thấy số tiền đó trùng với số tiền ông nhặt được và đã đưa cho người cháu kia cầm về cho người anh em. Không dám chắc vào sự trùng lặp, ông chủ tìm cách nói chuyện với người anh em. Ông nói chuyện về người phụ nữ. Ông kể chuyện về đồng tiền công chính và những hậu quả từ những việc gian dối, tham của người. Áy náy lương tâm, người anh em nói: “cái gì không phải của mình mà không trả được thì tôi đem dâng vào nhà thờ”. Người phụ nữ có thể không nhận lại được đồng tiền đánh rơi, nhưng nó đã trở thành giá để hoán cải và sửa đổi ai đó.

Tôi khâm phục ông chủ cửa hàng sửa chữa nhỏ. Ông đã sống lời mời gọi của Chúa. Không nói dối, không lừa gạt. Ngay cả khi đồng tiền đến tay cũng tìm cách để trả cho người bị mất và còn biết bao câu chuyện đẹp về nghĩa cử cao cả. Ước gì, nó được nhân lên, vì sự chính nghĩa thuộc về Thiên Chúa.

Lòng thành thật và sự chân thành ngày nay bị nhiều thế lực bóp méo. Lợi nhuận, đồng tiền, của cải được coi là dây thừng kéo không ít người làm những hành vi trái ngược với lương tâm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đồng loại, thiên nhiên. Tôi không kể thì ai trong chúng ta cũng có thể đoán được hàng hoạt những hành vi sai trái để kiếm lời trên thị trường kinh tế. Ca dao nói vui: “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại leo lên”. Nếu có như thế thì cũng thật khó để bền vững. Vì Chúa là Đấng ngay chính và công bằng sẽ trả lại cho mỗi người xứng với mỗi việc chúng ta làm. (Tx 3, Tv 138)

Dù thế nào, ra sao, chúng ta cũng được mời gọi sống ngay chính, chân thật. Đó còn là con đường khiêm tốn, bé nhỏ để nhìn nhận sự yếu đuối của con người mà trông cậy vào Đấng có thể làm cho chúng ta gấp ngàn lần những điều chúng ta có thể cầu xin hay nghĩ tới.

Nt. Maria Dương Khiêm, FMI