Tháng Hoa - Tôn sùng Đức Maria

“Lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở những tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật."


“Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của người Kitô hữu kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đây đó là dịp mà người Công Giáo khắp nơi trên thế giới bày tỏ niềm tin và lòng kính mến đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, ở trong và ngoài thánh đường tận đáy lòng dâng lên Mẹ những lời cầu nguyện và  lòng tôn kính mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ” (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số 1).

 Gốc tích tháng hoa

Tháng Năm là thời điểm chuyển giao của mùa Xuân và mùa Hè. Từ những thế kỷ đầu, tại Rôma, thời điểm này, người ta tôn kính sự thức giấc sau mùa Đông dài của thiên nhiên, bằng những cuộc rước linh đình để tôn kính Hoa – nữ thần của mùa Xuân. Người Công Giáo thời điểm đó đã tôn giáo hóa ý nghĩa này và thánh hóa tập tục đó bằng cách rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng tốt tươi… Ở nhiều nơi, người ta rước những cành lá có nụ, có hoa ở đầu cành, gọi là “Rước xanh”. Những cành hoa, lá, được đưa về nhà thờ trang trí và nhất là nơi ngai tòa Mẹ Maria.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, đã khởi xướng việc trang hoàng hoa muôn sắc chung quanh tượng Mẹ vào ngày đầu tháng 05.

Thánh Philiphê Nêri, vào ngày 01 tháng 05, đã quy tụ các trẻ em lại quanh bàn thờ Mẹ, và hướng dẫn các em dâng lên Mẹ những bông hoa tươi sắc. Ngài cũng dâng các em lên Mẹ, như những đóa hoa lòng còn trong trắng đơn sơ để Mẹ dìu dắt các em.

Sang thế kỷ thứ 17, việc dâng hoa kính Mẹ được cử hành trong dòng kín Clara. Dần được lan rộng ra bên ngoài nơi các xứ đạo lân cận.

Đầu thế kỷ 19, việc tôn kính Mẹ được lan rộng nhiều nơi. Các bài giảng về Đức Mẹ của các nhà giảng thuyết đã làm lan rộng lòng tôn sùng Đức Mẹ, đặc biệt tại nước Pháp và một số nước lân cận.

Các Đức Giáo Hoàng có lòng sùng kính Đức Maria cách đặc biệt: Đức Giáo Hoàng Piô VII,  đã cổ võ việc sùng kính Mẹ vào tháng Năm. Đức Piô IX đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự vào việc đạo đức này. Đến thời Đức Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, đã khuyến khích việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ.

Đầu thế kỷ 20, Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ được Đức Phaolô VI ban hành, trong đó có đoạn viết: “Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công Giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ” (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số 1 của Đức Phaolô VI).

Ý nghĩa của tháng Hoa

Mẹ Maria được ví như Người Nữ vẹn toàn. Sắc đẹp và mùi thơm của hoa, tượng trưng cho các nhân đức nơi Mẹ. Đồng thời, các màu sắc của hoa tượng trưng cho Mẹ – là Mẹ muôn loài khi đón nhận vai trò làm Mẹ Thiên Chúa.

Đức Mẹ còn được ví như Hòm Bia của Thiên Chúa, mà hoa lại là vật được dùng để trang trí cho Hòm Bia Giao Ước thời Cựu Ước. Như thế, Đức Mẹ luôn ở bên Thiên Chúa. Và hoa lại ở bên Mẹ…!

Nhờ ơn Chúa, Mẹ đã trở nên đóa hoa kiệt tác như: ơn vô nhiễm nguyên tội, ơn đồng trinh trọn đời, Mẹ Thiên Chúa, Hồn xác lên trời và Mẹ như “hoa hường mầu nhiệm vậy”.

Ý nghĩa của việc dâng hoa kính Mẹ

Các tín hữu Công giáo đã mựơn chính những cảnh sắc thiên nhiên, những đoá hoa tươi đẹp để như gói ghém trọn tâm tình của mình dâng lên Đức Mẹ. Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trước tượng Đức Mẹ. Hoa tươi, biểu tượng cho lòng tôn sùng biết ơn của chúng ta dâng về Mẹ, biểu tượng cho sự đổi mới cuộc đời của mỗi người chúng ta sau những tháng ngày “ngủ vùi” trong “mùa đông” của những lỗi lầm sa ngã, của sự xa lìa ơn thánh Chúa. Hoa thiên nhiên đồng nội cuộn lẫn với hoa lòng tỏa hương thơm và khoe sắc trên bàn thờ kính Mẹ.

Tại sao lại dâng hoa mà không dâng những thứ khác? Vì hoa là thứ đẹp nhất trong mọi loài Chúa dựng nên, Đức Giêsu đã ví sự lộng lẫy, tươi đẹp của hoa còn hơn cả vua Salomon: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 28-29). Màu sắc của hoa tượng trưng cho các nhân đức của Mẹ.

Hoa huệ trắng biểu trưng sự trong sạch khiết trinh nơi Mẹ;

Hoa hồng diễn tả lòng mến nồng nàn mà Mẹ dành cho Chúa;

Hoa lan toát lên sự trung thành, mạnh mẽ và can đảm nơi Mẹ;

Hoa sen tượng trưng phó thác, đại lượng và cung kính nơi Mẹ;

Hoa màu tím tượng trưng cho sự khiêm tốn:

Lòng sùng kính Đức Mẹ đem lại hy vọng được sự sống đời đời.

Nhà thần học Hans Urs von Balthasar đã viết: “Sự tôn sùng Mẹ Maria là con đường chắc chắn nhất và ngắn nhất dẫn đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu cách cụ thể.” Và thánh Phaolô cũng đã minh định: “Vai trò làm mẹ của Ðức Maria đối với loài người không hề làm lu mờ hay làm giảm thiểu vai trò trung gian duy nhất của Ðức Kitô (x. 1Tm 2, 5-6) Ðức Phaolô VI trong Tông Thư Marialis cultus về lòng tôn sùng Mẹ Maria, đã quả quyết: “Việc tôn sùng Ðức Maria là thành phần cơ bản của Kitô Giáo”.

Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Trong nhiệm cục ân sủng, kể từ khi Mẹ tin tưởng ưng thuận trong ngày truyền tin, sự ưng thuận mà Mẹ đã kiên quyết giữ trọn cho đến bên Thập Giá. Đức Maria tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời … Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian” (LG 62).

Các kinh nguyện về Mẹ Maria trong Phụng vụ của Giáo hội cũng như những lời kinh của các tín hữu qua mọi thời đại đều nói lên lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa. Lòng sùng kính Đức Mẹ đã ăn sâu vào đời sống của Giáo hội, đến nỗi không thể nói đến Giáo hội Công Giáo mà lại bỏ qua sự tôn sùng Mẹ Maria. Hình ảnh Mẹ Maria xuất hiện ngay từ buổi đầu của Giáo Hội: lúc 12 Thánh Tông Ðồ, 12 cột trụ của Giáo hội, cùng quây quần bên Mẹ Maria để hiệp thông trong kinh nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần trong Ngày Lễ Hiện Xuống đầu tiên (x. Cv 1,12-14). Trong các kinh nguyện thì trước hết phải kể đến ca vịnh Magnificat và Kinh Kính Mừng. Magnificat là kinh nguyện được hầu hết các Kitô hữu đón nhận và sốt sắng đọc hay hát để tung hô Mẹ Maria. Còn Kinh Kính Mừng là một lời chào đẹp nhất, vắn tắt nhất và có nội dung phong phú đầy đủ nhất về cuộc đời thánh đức của Ðức Trinh Nữ Maria trong địa vị là Mẹ Chúa Cứu Thế. Người Kitô hữu hằng ngày, hằng giờ đọc Kinh Kính Mừng để cùng Mẹ suy gẫm các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Giêsu.

Ca tụng Mẹ Maria chính là sự tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Tôn thờ Chúa Cha, Ðấng đã kén chọn Mẹ trong muôn ngàn người nữ để thực hiện nơi Mẹ bao điều trọng đại (Lc 1,49). Ca tụng và tôn thờ Chúa Con, Ðấng Mẹ đã cưu mang trong cung lòng trinh khiết của Mẹ và nhờ Mẹ đã trở nên Ðấng Cứu Chuộc muôn dân. Và sau cùng, làm vinh danh Chúa Thánh Thần, Ðấng đã yêu thương che chở Mẹ và đã tô điểm cung lòng Mẹ bằng các ơn thánh, nên ngai toà cho Ngôi Hai ngự trị.

Công Đồng Vaticanô II nhắc nhở: “Lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở những tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).

Dựa trên các Giáo huấn của Giáo hội, chúng ta có quyền tin tưởng sẽ được cứu độ khi tôn sùng Đức Mẹ cách chính đáng và hợp với ý định và trong chương trình của Thiên Chúa. Thánh Alphonsô kêu gọi các tội nhân đến với Mẹ bằng lời tha thiết: “Bạn hãy yêu mến Mẹ Maria! Hãy cầu xin Mẹ, thì bạn sẽ được cứu rỗi”; “Chúng ta được rỗi là do Mẹ cầu bầu”; “Tôi tớ Mẹ không ai có thể hư mất đời đời”.

Đối với người Việt Nam lòng tôn kính Đức Mẹ bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua hình ảnh người mẹ trong đời thường. Mẹ là dòng suối ngọt ngào, mẹ là bóng mát dịu dàng, mẹ là nguồn thương yêu bất tận,… Lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta nặng tình mẫu tử. Qua hình ảnh người mẹ trần gian, thôi thúc chúng ta hướng về Mẹ trên trời. Trong cuộc sống, những lúc gặp khó khăn hay hoạn nạn, nhiều người chúng ta đã cầu xin Mẹ bằng những bài hát quen thuộc như: “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển… “; “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam…”; “Lạy Mẹ, xin yên ủi chúng con luôn luôn…”, rồi những kinh Kính Mừng, tràng chuỗi Mân Côi được đọc lên râm ran trong các thánh đường, nơi các gia đình, và trong mọi biến cố vui buồn, thành công hay thất bại… Các cuộc rước linh đình, nhiều đền đài được mọc lên, nhiều nhà thờ được mang tước hiệu của Mẹ. Những thói quen đó đã đem lại cho Giáo hội Việt Nam một tinh thần sốt sắng, giàu đức tin, lòng mến và trung kiên giữ đạo dù trải qua trăm nghìn thử thách gian truân.

Mong sao, những việc tôn sùng Đức Mẹ của chúng ta sẽ dẫn đến việc noi gương Mẹ để sống cho đẹp lòng Thiên Chúa như Mẹ đã sống. Dâng lên Mẹ những đóa hoa tươi, hoa lòng thánh thiện là những việc lành, những nghĩa cử bác ái đối với nhau, không chỉ là “nhịp cầu” dẫn đưa chúng ta đến với Mẹ với Chúa, mà còn nối kết chúng ta lại với nhau bằng tình yêu đích thực, bằng sự liên đới huynh đệ.

Tổng hợp từ nhiều nguồn