Công Đồng Vaticanô 2 - Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội - Chương VIII: Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa (52-69)

CHƯƠNG VIII ĐỨC TRINH NỮ MARIA MẸ THIÊN CHÚA TRONG MẦU NHIỆM ĐỨC KITÔ VÀ MẦU NHIỆM GIÁO HỘI  I. LỜI MỞ ĐẦU 52. Thiên Chúa vô cùng...


CHƯƠNG VIII

ĐỨC TRINH NỮ MARIA MẸ THIÊN CHÚA TRONG MẦU NHIỆM ĐỨC KITÔ VÀ MẦU NHIỆM GIÁO HỘI 

I. LỜI MỞ ĐẦU

52.

Thiên Chúa vô cùng nhân hậu và khôn ngoan, vì muốn cứu chuộc thế giới, nên “khi đến thời viên mãn, đã sai Con của Ngài đến, sinh bởi một người phụ nữ để chúng ta được làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria”1. Mầu nhiệm cứu độ linh thiêng này được mặc khải cho chúng ta và được tiếp diễn trong Giáo Hội mà Chúa đã thiết lập như Thân mình Người, và trong đó, khi liên kết với Đức Kitô Thủ lãnh và được hợp nhất trong sự hiệp thông với toàn thể các thánh của Người, các tín hữu cũng phải tôn kính “trước hết Đức Maria vinh hiển, trọn đời đồng trinh, Mẹ của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Chúa chúng ta”2.

53.

Thật vậy, khi sứ thần truyền tin, Đức Trinh Nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và trong thân xác, và đã trao ban Đấng là sự sống cho thế gian, nên được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Thế. Được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con của Mẹ, và được kết hiệp mật thiết cách bất khả phân ly với Người, Mẹ được ban cho phận vụ và phẩm giá cao cả là Mẹ của Con Thiên Chúa, và vì thế, Mẹ là ái nữ của Chúa Cha và là cung điện của Chúa Thánh Thần, Đấng đã dùng ân sủng tuyệt vời này làm cho Mẹ trổi vượt trên mọi tạo vật khác, trên trời cũng như dưới đất. Nhưng vì thuộc dòng dõi Ađam, nên Mẹ cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu độ, hơn nữa, Mẹ “là Mẹ các chi thể (của Đức Kitô) vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Đầu”3. Vì thế, Mẹ cũng được chào kính như chi thể trổi vượt và độc đáo nhất của Giáo Hội, như mẫu mực và gương sáng nổi bật cho Giáo Hội về đức tin và đức ái, và Giáo Hội Công giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, tôn kính Ngài với tình con thảo như người Mẹ rất dấu yêu.

54.

Vì vậy, khi trình bày giáo lý về Giáo Hội, nơi mà Chúa Cứu Thế đang thực hiện ơn cứu độ, Thánh Công Đồng chủ tâm làm sáng tỏ vai trò của Đức Trinh Nữ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và Nhiệm Thể, cũng như nêu rõ bổn phận của những người được cứu chuộc đối với Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Đức Kitô và Mẹ nhân loại, nhất là Mẹ các tín hữu, tuy nhiên, Công Đồng không có ý đưa ra một học thuyết đầy đủ về Đức Maria, cũng không có ý giải quyết các vấn đề chưa được sáng tỏ trọn vẹn trong việc nghiên cứu của các nhà thần học. Vì thế, được phép giữ những ý kiến đang được tự do trình bày trong các trường phái Công giáo về Đấng có địa vị cao cả nhất trong Hội thánh sau Đức Kitô và cũng là Đấng rất gần gũi với chúng ta4

II. VAI TRÒ CỦA ĐỨC TRINH NỮ TRONG NHIỆM CỤC CỨU ĐỘ

55.

Thánh Kinh Cựu ước cũng như Tân ước và Thánh Truyền đáng kính trình bày càng lúc càng sáng tỏ hơn vai trò của Mẹ Đấng Cứu Thế trong nhiệm cục cứu độ, và như muốn mời gọi chúng ta chiêm ngắm vai trò ấy. Thật vậy, các sách Cựu ước trình bày lịch sử cứu độ, trong đó việc Đức Kitô đến trong thế gian được chuẩn bị cách tiệm tiến. Các tài liệu tiên khởi này, như được đọc trong Giáo Hội và được hiểu theo ánh sáng mặc khải trọn vẹn sau này, dần dần cho thấy rõ ràng hơn hình ảnh của một người nữ, Mẹ Đấng Cứu Thế. Theo nguồn sáng mặc khải, người nữ ấy đã được tiên báo trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa nguyên tổ đã nhận được sau khi phạm tội (x. St 3,15). Cũng thế, ngài là Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh người con trai được đặt tên là Emmanuel (x. Is 7,14; x. Ml 5,2-3; Mt 1,22-23). Ngài trổi vượt trong số các kẻ khiêm nhu và người nghèo của Chúa, những người trông đợi và lãnh nhận ơn cứu độ từ nơi Chúa trong niềm tin tưởng tín thác. Cuối cùng, với người Thiếu Nữ Sion tuyệt vời, sau thời gian lâu dài mong đợi lời hứa được thực hiện, thời giờ đã mãn và nhiệm cục mới đã được thiết lập, khi Con Thiên Chúa nhận lấy bản tính nhân loại từ người thiếu nữ ấy để giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ các mầu nhiệm nơi thân xác Chúa.

56.

Chúa Cha giàu lòng thương xót đã muốn sự ưng thuận của người Mẹ được tiền định này phải đi trước việc nhập thể, để nếu như trước kia một người nữ đã góp phần vào sự chết, thì nay một người nữ cũng phải cộng tác vào sự sống. Điều này thật đúng với Mẹ của Đức Giêsu, người đã đem đến cho thế giới chính sự sống đổi mới mọi sự, và là người được Thiên Chúa ban cho những ân huệ tương xứng với một vai trò cao cả như thế. Do đó, không lạ gì khi các thánh Giáo phụ thường gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vẹn toàn, không vương nhiễm vết nhơ tội lỗi, như được chính Chúa Thánh Thần nhào nắn, và được tác thành như một tạo vật mới5. Là người duy nhất được chan hoà sự thánh thiện chói ngời ngay từ giây phút thụ thai, Đức Trinh Nữ làng Nazareth được vị thiên sứ đến truyền tin theo lệnh của Thiên Chúa kính chào là “Đấng đầy ơn phúc” (x. Lc 1,28), và Trinh Nữ đã đáp lại sứ điệp từ trời cao: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Như thế, Đức Maria, nữ tử của Ađam, đã trở nên Mẹ của Đức Giêsu khi ưng thuận theo lời Chúa phán, và khi đón nhận ý muốn cứu độ của Thiên Chúa với trọn cả tấm lòng và không bị tội lỗi nào ngăn trở, ngài đã muốn nên như người nữ tỳ của Chúa để hoàn toàn hiến mình cho ngôi vị và công trình của Con ngài, đồng thời nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, ngài tuỳ thuộc vào Con và cùng với Con để phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc. Bởi vậy, các thánh Giáo phụ có lý để nhận ra nơi Đức Maria không phải chỉ là một dụng cụ hoàn toàn thụ động trong tay Thiên Chúa, nhưng đã cộng tác tích cực vào việc cứu độ nhân loại, nhờ tin và vâng phục trong tự do. Thật vậy, như lời thánh Irênê: “Nhờ vâng phục, ngài đã trở nên nguyên nhân cứu độ cho mình và cho toàn thể nhân loại”6. Và nhiều thánh Giáo phụ thời xưa cũng trình bày theo cùng ý hướng như thánh Irênê: “Nút dây đã bị thắt lại vì Evà bất tuân, nay được gỡ ra nhờ Đức Maria vâng phục; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, thì Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin”7; và khi so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ của những kẻ sống”8, và vẫn thường quả quyết: “Qua Evà, sự chết xuất hiện, nhờ Đức Maria, sự sống ngự trị”9.

57.

Sự liên kết giữa người Mẹ và người Con trong công trình cứu độ được tỏ rõ từ khi Đức Kitô được thụ thai cách trinh khiết cho đến lúc chết; trước hết, khi Đức Maria vội vã đến thăm bà Elizabeth và được chào mừng là người có phúc vì đã tin vào ơn cứu độ Chúa đã hứa, và vị tiền hô đã nhảy mừng trong lòng mẹ (x. Lc 1,41-45); tiếp đó vào ngày Chúa giáng sinh, khi Mẹ Thiên Chúa vui mừng giới thiệu với các mục đồng và những đạo sĩ người Con đầu lòng của mình, Đấng đã không làm mất đi nhưng còn thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn của Mẹ10. Sau đó, khi dâng Con cho Chúa trong đền thánh với những lễ vật của người nghèo, Mẹ đã nghe ông Simêon báo trước Con mình sẽ là dấu chỉ của sự chống đối và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Mẹ, nhờ đó tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ tỏ lộ ra (x. Lc 2,34-35). Khi trẻ Giêsu đi lạc, cha mẹ Người đã lo âu tìm kiếm và tìm thấy Con trong đền thánh đang lo việc của Cha Người; nhưng các ngài không hiểu được ý nghĩa những lời Con nói. Tuy nhiên, mẹ Người ghi nhớ và để tâm suy niệm tất cả các điều ấy (x. Lc 2,41-51).

58.

Trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu, những lần Mẹ Người xuất hiện cũng mang đầy ý nghĩa, như trong những ngày đầu, nơi tiệc cưới làng Cana xứ Galilê, vì động lòng thương xót, Mẹ đã can thiệp vào việc thực hiện dấu lạ đầu tiên của Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai (x. Ga 2,1-11). Trong thời gian Chúa đi rao giảng, Mẹ đã đón nhận những câu nói, qua đó Con của Mẹ, khi đặt Nước Trời lên trên cách suy nghĩ và mối liên hệ theo huyết nhục, đã tuyên bố những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa (x. Mc 3,35 và song song; Lc 11,27-28), điều mà chính Mẹ đã trung tín thực hành (x. Lc 2,19 và 51), mới thật là người có phúc. Như thế, Đức Trinh Nữ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hợp nhất với Con cho đến tận bên chân Thập giá, Mẹ đã đứng đó theo như ý định của Thiên Chúa (x. Ga 19,25), sẵn sàng cùng chịu đau khổ với người Con một và dự phần vào hy lễ của Con với cả tấm lòng hiền mẫu, dùng trọn tình yêu chấp nhận hiến tế lễ vật do chính lòng mình sinh ra; và cuối cùng, Mẹ đã nhận làm Mẹ của người môn đệ qua lời trăn trối của Đức Giêsu Kitô đang hấp hối trên Thập giá: “Thưa Bà, này là con Bà” (x. Ga 19,26-27)11.

59.

Vì Thiên Chúa muốn dành việc long trọng tỏ bày mầu nhiệm cứu độ nhân loại vào chính ngày Ngài tuôn đổ Thánh Thần như Đức Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy, trước ngày lễ Ngũ Tuần, không chỉ các Tông đồ “kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, và với Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và các anh em Người” (Cv 1,14), nhưng chính Đức Maria cũng tha thiết cầu xin hồng ân Thánh Thần, Đấng đã bao phủ ngài trong ngày truyền tin. Sau cùng, bởi đã được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết nhơ nguyên tội12, nên sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác13, và được Chúa tôn vinh làm Nữ Vương hoàn vũ, để hoàn toàn nên giống Con của Người, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), cũng là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết14.

III. ĐỨC TRINH NỮ VÀ GIÁO HỘI

60.

Chúng ta chỉ có một Đấng Trung gian duy nhất, như lời Thánh Tông Đồ: “Chỉ có một Thiên Chúa, và chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc mọi người” (1 Tm 2,5-6). Tuy nhiên, vai trò làm mẹ của Đức Maria đối với nhân loại không hề xoá mờ hay giảm thiểu chức năng trung gian duy nhất của Đức Kitô, nhưng càng tỏ rõ hiệu năng trung gian của Người. Thật vậy, sự can thiệp mang năng lực cứu độ của Đức Trinh Nữ trên nhân loại không mang tính thiết yếu nội tại, nhưng được khởi phát từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Đức Kitô, năng lực ấy khởi xuất từ chức năng trung gian của Đức Kitô, hoàn toàn tuỳ thuộc vào đó, và kín múc tất cả sức mạnh cũng từ đó; năng lực can thiệp này không hề cản trở, trái lại sẽ giúp đỡ các tín hữu kết hợp trực tiếp với Đức Kitô.

61.

Được tiền định từ muôn đời để làm Mẹ Thiên Chúa qua sự liên kết với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, theo ý định của Chúa Quan phòng, Đức Trinh Nữ đã nên người mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh trên trần gian, là cộng sự viên quảng đại đặc biệt hơn mọi người và là nữ tì khiêm hạ của Chúa. Khi cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Kitô, cũng như khi dâng Người lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chịu chết trên Thập giá, Mẹ đã cộng tác theo một cách thức hoàn toàn đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ sự vâng phục, với đức tin, đức cậy và đức ái nồng nàn, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Chính vì thế, trên bình diện ân sủng, Ngài quả thật là Mẹ của chúng ta.

62.

Trong nhiệm cục ân sủng, thiên chức làm mẹ của Đức Maria luôn được duy trì, từ khi ngài tin tưởng nói lời ưng thuận trong ngày truyền tin và vẫn tiếp tục giữ vững lời ưng thuận ấy dưới chân Thập giá, cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ cho tất cả những ai được tuyển chọn. Sau khi được đưa về trời, Đức Maria không rời bỏ vai trò của Mẹ trong công trình cứu độ, nhưng vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta hồng ân cứu độ đời đời15. Với tình hiền mẫu, ngài chăm sóc những người em của Con ngài còn đang lữ hành giữa bao nguy hiểm và thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, Đấng Phù hộ, Đấng Cứu giúp và Đấng Trung gian16. Tuy nhiên phải hiểu cho đúng điều này để không giảm thiểu cũng như không thêm gì vào địa vị và hiệu năng của Đức Kitô, Đấng Trung gian duy nhất17.

Thật vậy, không một tạo vật nào có thể được kể ngang hàng với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc; nhưng cũng như chức tư tế của Đức Kitô được thông ban dưới nhiều hình thức cho các thừa tác viên và giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được ban phát cho các tạo vật theo nhiều cách khác nhau, thì sự trung gian duy nhất của Đấng Cứu chuộc không loại bỏ nhưng đúng hơn khơi dậy nơi các thụ tạo sự cộng tác đa dạng được chia sẻ từ một nguồn mạch duy nhất.

Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng vai trò tuỳ thuộc ấy của Đức Maria, Giáo Hội vẫn luôn cảm nghiệm được điều đó và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng, để nhờ Mẹ nâng đỡ và phù hộ, họ gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung gian và Đấng Cứu chuộc.

63.

Nhờ ân huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, điều đã làm cho Đức Trinh Nữ được kết hiệp với Con là Đấng Cứu Chuộc, đồng thời nhờ các ân sủng và nhiệm vụ riêng biệt khác, ngài cũng liên kết mật thiết với Giáo Hội, như thánh Ambrôsiô đã dạy: Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và sự kết hiệp hoàn hảo với Đức Kitô18. Thật vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, một chủ thể cũng được gọi rất chí lý là mẹ và trinh nữ, Đức Trinh Nữ Maria nổi bật cách cao cả và riêng biệt như một mẫu mực của phẩm cách là mẹ và trinh nữ19. Quả vậy, trong thái độ tin kính và vâng phục, ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, ngài không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ, như một Evà mới, không tin lời con rắn xưa, nhưng đặt trọn niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Mẹ đã sinh hạ Người Con, Đấng được Thiên Chúa đặt làm trưởng tử giữa đàn em đông đúc (x. Rm 8,29) chính là các tín hữu, người Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục họ với tình hiền mẫu.

64.

Khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện nhiệm mầu và noi gương bác ái của Đức Maria, khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội là mẹ vì đã lãnh nhận Lời Chúa trong đức tin: thật vậy, nhờ việc rao giảng và nhờ bí tích Thánh Tẩy, Giáo Hội sinh hạ con cái, những người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Thiên Chúa sinh ra cho đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là trinh nữ vì đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng tin dành cho Đấng Phu Quân, và noi gương người mẹ của Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo Hội cũng gìn giữ thật tinh tuyền đức tin toàn vẹn, đức cậy bền vững và đức mến chân thành20.

65.

Tuy nhiên, nếu như Giáo Hội đã đạt tới sự toàn thiện trong Đức Trinh Nữ diễm phúc, nhờ đó không còn vết nhơ hay nếp nhăn (x. Ep 5,27), thì các Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để được tăng trưởng trong đời sống thánh thiện; vì thế, họ ngước mắt lên Đức Maria là mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn. Nhờ sốt sắng suy niệm và chiêm ngắm Đức Maria trong ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội cung kính hoà nhập cách sâu xa hơn vào mầu nhiệm nhập thể cao cả, và càng ngày càng nên giống Phu quân mình hơn. Thật vậy, Đức Maria đã tham dự mật thiết vào lịch sử cứu độ và một cách nào đó, ngài đã nối kết và làm vang vọng nơi mình những giáo lý đức tin cao cả nhất, khi các tín hữu nghe rao giảng về ngài và sùng kính ngài, ngài mời gọi họ đến với Con ngài, đến với hy lễ của Người, và đến với tình yêu của Chúa Cha. Khi tìm kiếm vinh quang Đức Kitô, Giáo Hội càng ngày càng nên giống khuôn mẫu cao cả của mình hơn, liên lỉ tiến tới trong niềm tin, cậy, mến, tìm kiếm và vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Do đó, trong hoạt động tông đồ, Giáo Hội thật có lý khi nhìn lên người đã sinh ra Đức Kitô, Đấng đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Đức Trinh Nữ sinh ra, để nhờ Giáo Hội, Đức Kitô cũng được sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Trong cuộc sống, Đức Trinh Nữ đã là tấm gương của tình yêu thương mang đậm tính hiền mẫu, một tình yêu cần được thể hiện cách sống động nơi tất cả những ai đang cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội để tái sinh nhân loại. 

IV. VIỆC TÔN KÍNH ĐỨC TRINH NỮ TRONG GIÁO HỘI

66.

Sau Chúa Con nhưng vượt trên toàn thể các thiên thần và loài người, nhờ ân sủng Thiên Chúa, Đức Maria, người đã tham dự vào các mầu nhiệm của Đức Kitô, được tôn vinh là Thánh Mẫu Thiên Chúa, vì thế Mẹ đáng được Giáo Hội tôn kính và sùng mộ cách đặc biệt. Thật vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã tìm đến nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ, khẩn cầu Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó21. Nhất là từ Công Đồng Êphêsô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Đức Maria cách lạ lùng, với thái độ tôn kính, mến yêu, cầu khẩn và noi gương, đúng như lời Mẹ đã tiên báo: “Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại” (Lc 1,48-49). Sự tôn kính ấy, như vẫn được thực hành trong Giáo Hội, tuy hoàn toàn đặc thù, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự tôn thờ dâng lên Ngôi Lời nhập thể cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, và chính việc tôn kính này cũng quy hướng về việc tôn thờ Thiên Chúa. Giáo Hội đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa trong khuôn khổ giáo lý lành mạnh và chính thống, tuỳ theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, hợp với tính cách và trình độ của các tín hữu, những hình thức ấy, khi tôn vinh Mẹ, cũng làm cho tín hữu nhận biết, yêu mến và làm vinh danh Chúa Con đồng thời tuân giữ trọn vẹn các giới răn của Người, bởi lẽ nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (x. Cl 1,15-16), và Chúa Cha hằng hữu “đã muốn tất cả sự viên mãn hiện diện” ở nơi Người (Cl 1,19).

67.

Thánh Công Đồng minh nhiên truyền dạy điểm giáo lý công giáo này, đồng thời cũng khuyến khích tất cả con cái của Giáo Hội hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Trinh Nữ, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức tôn kính ngài đã được Huấn Quyền cổ vũ qua các thế kỷ, cũng như hãy thành tâm tuân giữ những quyết định trước đây liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Đức Kitô, Đức Trinh Nữ và các thánh22. Công Đồng cũng ân cần khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng Lời Chúa, khi luận bàn về những phẩm hạnh vô song của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận tránh những tư tưởng phóng đại sai lầm cũng như các suy nghĩ hẹp hòi quá đáng23. Nhờ học hỏi Thánh Kinh, các thánh Giáo phụ, các tiến sĩ và những nhà nghiên cứu các truyền thống phụng vụ trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, họ cần trình bày cách chính xác về vai trò và đặc ân của Đức Trinh Nữ, vốn luôn quy hướng về Đức Kitô là nguồn mạch của toàn thể chân lý, của sự thánh thiện và lòng đạo đức. Họ phải cẩn thận tránh xa những lối diễn tả hay hành động có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội. Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không thể đặt trên những tình cảm vô bổ và chóng qua, cũng không dựa vào sự dễ tin nhẹ dạ, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật, đức tin đưa chúng ta đến thái độ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của ngài.

V. ĐỨC MARIA, DẤU CHỈ LÒNG CẬY TRÔNG VỮNG VÀNG VÀ NIỀM AN ỦI CHO DÂN CHÚA ĐANG LỮ HÀNH

68.

Nếu như Mẹ của Đức Giêsu được vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh và khởi đầu của Giáo Hội phải được hoàn thành ở đời sau, thì ngay trên trần gian này, ngài cũng toả sáng như dấu chỉ của lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho Dân Chúa đang lữ hành cho tới ngày Chúa đến (x. 2 Pr 3,10).

69.

Thánh Công Đồng rất vui mừng và được an ủi khi thấy trong số các anh em ly khai, không thiếu những người dâng lên Mẹ Chúa Cứu Thế vinh dự ngài đáng được, nhất là nơi các Giáo Hội Đông phương, những người sốt sắng và thành tâm tôn kính Thánh Mẫu Thiên Chúa trọn đời đồng trinh24. Tất cả các Kitô hữu hãy tha thiết khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ nhân loại, để như ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện, thì ngày nay, được tôn vinh trên trời, vượt trên các thánh và các thiên thần, ngài cũng chuyển cầu cùng Con ngài trong sự hiệp thông của toàn thể các thánh, cho tới khi mọi gia đình dân tộc, hoặc đã được vinh dự mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa nhận biết Đấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hoà thuận, họp thành đoàn Dân Thiên Chúa duy nhất, để làm vinh danh một Chúa Ba Ngôi chí thánh.

Tất cả và từng điều được ban bố trong Hiến Chế tín lý này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964 Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo (Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

 TRÍCH VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG

THÔNG TRI Do Tổng Thư Ký của Thánh Công Đồng trình bày trong phiên họp khoáng đại thứ 123 ngày 16 tháng 11 năm 1964.

 

Có những thắc mắc về giá trị thần học của phần giáo thuyết trong Lược đồ về Giáo Hội sẽ được đưa ra để các Nghị phụ bỏ phiếu.

Ủy ban Giáo thuyết, sau khi xem xét những Đề nghị tu chỉnh cho chương III trong Lược đồ về Giáo Hội, đã đưa ra câu trả lời:

“Đương nhiên phải luôn giải thích văn kiện Công Đồng theo những quy tắc chung mà mọi người đều đã biết”

Nhân dịp này, Ủy ban Giáo thuyết đã nhắc lại bản Tuyên ngôn ngày 6.3.1964, và đây là một trích đoạn:

“Dựa trên phương thức làm việc và chủ đích mục vụ đã đưa ra, Thánh Công Đồng xác định rằng Giáo Hội chỉ phải tuân giữ những điều liên quan đến đức tin và phong hoá, theo đúng như những gì sẽ được chính Thánh Công Đồng công bố.

Còn những điểm khác được Thánh Công Đồng trình bày, vì là giáo thuyết của Huấn Quyền Tối thượng của Giáo Hội, nên tất cả và từng Kitô hữu phải đón nhận và dựa trên những tiêu chuẩn của phương pháp giải thích thần học để hiểu đúng ý của Công Đồng, được biểu lộ qua nội dung được trình bày hoặc qua cách diễn tả trong bản văn”.

Thẩm quyền thượng cấp đã gửi đến các Nghị phụ một chú thích sơ khởi, liên quan đến những Đề nghị tu chỉnh cho chương III trong Lược đồ về Giáo Hội. Giáo thuyết được trình bày trong chương III phải được giải thích và hiểu theo tinh thần và cách thức của chú thích này.

CHÚ THÍCH SƠ KHỞI

Ủy ban đưa ra những nhận định sau đây trước khi nghiệm xét những Đề nghị tu chỉnh:

1.

Từ “Collegium” (hiệp đoàn) không được hiểu theo nghĩa thuần túy pháp lý, nghĩa là một nhóm người bình đẳng chấp nhận trao quyền lãnh đạo cho một vị chủ tịch, nhưng phải hiểu là một tập thể có tính cố định, với cơ cấu tổ chức và thẩm quyền được xác định bởi chính Mặc khải. Vì thế, câu trả lời cho Đề nghị tu chỉnh số 12 muốn nêu rõ là chính Chúa đã thiết lập Nhóm Mười hai theo thể thức một hiệp đoàn hay một Nhóm cố định. Xin cũng xem Đề nghị số 53c. - Cũng thế, từ “Ordo” hay “Corpus” được dùng để nói về hàng Giám mục hay Giám Mục Đoàn. Khi nói đến tính cách tương đương, trong mối liên hệ giữa Phêrô với các Tông đồ và mối liên hệ giữa Giáo Hoàng với các Giám mục, không được hiểu đó là sự chuyển giao quyền bính đặc biệt của các Tông đồ cho các người kế vị, và đương nhiên cũng không thể hiểu là các thành viên của Giám Mục Đoàn cũng bình quyền với vị Thủ lãnh, nhưng phải hiểu là có một sự tương ứng giữa mối liên hệ thứ nhất (Phêrô – Tông đồ) và mối liên hệ thứ hai (Giáo Hoàng – Giám mục). Vì thế, trong số 22, Ủy ban đã quyết định không dùng cách nói “cùng một cách thức”, nhưng là “với cách thức tương tự”. Xem Đề nghị tu chỉnh số 57.

2.

Một người trở nên thành viên của cộng đoàn Giám mục nhờ sự thánh hiến bí tích và nhờ sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ lãnh và những thành viên khác của Giám Mục Đoàn. Xem số 22, cuối đoạn 1.

Thánh Truyền và cả tập truyền phụng vụ đã xác quyết rõ ràng việc tấn phong làm cho vị Giám mục được tham dự với cả hữu thể của mình vào các chức năng thánh thiêng. Sau khi thảo luận, Ủy ban dùng danh từ “munus” (chức năng, phận vụ) chứ không dùng chữ “potestas” (quyền hành), vì hạn từ này có thể được hiểu là quyền thực hiện một hành động nào đó. Nhưng quyền thực hiện một hành động chỉ có thể nhận được từ một chỉ định của thẩm quyền phẩm trật theo Giáo Luật hoặc theo pháp lý. Chỉ định này có thể là việc ủy thác một nhiệm vụ đặc biệt hoặc trao phó một số người thuộc quyền, theo những quy định đã được thẩm quyền tối cao phê duyệt. Việc phê duyệt này là một quy định buộc phải có do chính bản chất của việc trao quyền, vì liên quan đến những phận vụ phải được thực thi bởi những người thuộc quyền ở nhiều cấp bậc, cùng cộng tác theo phẩm trật do ý muốn của Chúa Kitô. Điều hiển nhiên là sự “hiệp thông” này đã được áp dụng tuỳ theo hoàn cảnh trong đời sống (in Vita) của Giáo Hội qua các thời đại, trước khi được biên soạn thành văn trong luật lệ (in iure).

Chính vì thế, phải nêu rõ là cần phải có sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ lãnh của Giáo Hội và với các thành viên. “Communio” (hiệp thông) là một ý niệm rất được đề cao trong Giáo Hội thời xưa (và cả thời nay, nhất là tại Đông phương). Đây không phải là một tình cảm mơ hồ nào đó, nhưng là một thực tại mang tính liên kết, đòi hỏi phải có một hình thức pháp lý, đồng thời được sinh động nhờ đức ái. Vì thế, với sự đồng thuận gần như tuyệt đối, Ủy ban quyết định viết như sau: “trong sự hiệp thông phẩm trật”. Xem Đề nghị tu chỉnh số 40 và những chỗ đề cập đến sứ vụ theo Giáo Luật, số 24.

Những văn kiện gần đây của các Đức Giáo Hoàng về quyền tài thẩm của các Giám mục phải được giải thích theo ý nghĩa chính yếu vừa nêu liên quan đến quyền hành.

3.

Giám Mục Đoàn, một cộng đoàn luôn phải có Thủ lãnh, “là chủ thể có quyền hành trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội”. Đây là điều cần được chấp nhận để tránh những thắc mắc đối với tính cách trọn vẹn của quyền bính dành cho Giáo Hoàng Rôma. Giám Mục Đoàn luôn luôn buộc phải liên kết với vị Thủ lãnh, người trong Đoàn đảm nhận chức năng trọn vẹn của Đấng Đại diện Chúa Kitô và Chủ chăn của Giáo Hội phổ quát. Nói cách khác, đây không phải là phân biệt giữa Giáo Hoàng Rôma và tập thể các Giám mục, nhưng là giữa cá nhân Đức Giáo Hoàng và cộng đoàn gồm cả Giáo Hoàng và các Giám mục. Vì Đức Giáo Hoàng là Thủ lãnh của Giám Mục Đoàn, nên riêng ngài có quyền đơn phương hành động trong một số trường hợp mà các Giám mục không thể làm được, ví dụ triệu tập và điều hành Giám Mục Đoàn, phê chuẩn các quy chế hoạt động, vv… Xem Đề nghị tu chỉnh số 81. Vì đã được trao phó nhiệm vụ chăm sóc toàn thể đoàn chiên của Chúa Kitô, nên Đức Giáo Hoàng có quyền phán quyết về cách thức thích hợp, hoặc riêng cá nhân ngài, hoặc cùng với Giám Mục Đoàn, để thực thi nhiệm vụ ấy, tuỳ theo những nhu cầu của Giáo Hội vẫn luôn biến chuyển qua các thời đại. Vì lợi ích của Giáo Hội, Giáo Hoàng Rôma hành động theo sự khôn ngoan của ngài để hướng dẫn, phát huy và phê chuẩn việc thực thi quyền cộng thể của Giám Mục Đoàn.

4.

Là Chủ chăn tối cao của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng có thể tuỳ ý thực thi quyền bính bất cứ lúc nào, theo như nhiệm vụ đòi hỏi. Phần Giám Mục Đoàn, tuy vẫn luôn tồn tại, nhưng như Truyền thống Giáo Hội đã cho thấy, không phải lúc nào cũng hành động với tư cách thuần túy tập thể. Nói cách khác, Giám Mục Đoàn không phải lúc nào cũng hoạt động trong cách thế “hành động trọn vẹn”, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hành động theo thể thức tập thể đúng nghĩa, và không thể làm nếu không được vị Thủ lãnh đồng thuận (consentiente Capite). Nói “Thủ lãnh đồng thuận”, để đừng nghĩ đến sự lệ thuộc như thể đối với một người xa lạ nào đó; trái lại, từ “đồng thuận” gợi lên sự hiệp thông giữa Đầu và các chi thể, đồng thời cũng nói lên tính cách thiết yếu của một hành động dành riêng cho người Thủ lãnh. Điều này được xác định cách minh nhiên trong số 22, 2 và được giải thích ở cuối số. Ngữ thức ở thể phủ định “nonnisi” (không thể nếu không) bao gồm tất cả mọi trường hợp: vì thế đương nhiên phải luôn luôn tuân theo những quy định đã được thẩm quyền tối thượng phê duyệt. Xem Đề nghị tu chỉnh số 84.

Điều nổi bật nhất trong tất cả chính là sự gắn kết giữa các Giám mục với vị Thủ lãnh và không bao giờ hành động độc lập với Giáo Hoàng. Trong trường hợp không có hành động của Thủ lãnh, các Giám mục không thể hành động với tư cách Giám Mục Đoàn, chính ý niệm về “hiệp đoàn” đã cho thấy rõ điều đó. Truyền thống đã xác nhận sự hiệp thông phẩm trật giữa tất cả các Giám mục với Đức Giáo Hoàng.

Ghi chú:

Nếu không có hiệp thông phẩm trật, thì chức năng liên quan đến thực thể do bí tích, cần phân biệt với khía cạnh pháp lý do luật, sẽ không thể thực hiện được. Tuy nhiên, Ủy ban không bàn đến ở đây vấn đề hợp pháp và thành sự, vấn đề này xin dành cho các nhà thần học thảo luận, đặc biệt về những gì liên quan đến quyền bính đang được các anh em Đông phương ly khai thực thi hiện nay, và về những ý kiến khác biệt trong việc giải thích quyền bính ấy.

PERICLES FELICI Tổng Giám mục Hiệu toà Samosate Tổng Thư ký Công Đồng Chung Vaticanô II

 
1 Kinh Tin kính của Công đồng Constantinôpôli: Mansi 3, 566; x. CĐ ÊPHÊSÔ, Mansi 4, 1130 (cũng xem Mansi 2, 665 và 4, 1071); CĐ CALCÊĐÔNIA, Mansi 7, 111-116; CĐ CONSTANTINÔPÔLI II, Mansi 9, 375-396; Sách Lễ Rôma, Kinh Tin Kính.
2 Sách Lễ Rôma, Lễ Quy.
3 T. AUGUSTINÔ, De S. Virginitate, 6: PL 40, 399.
4 x. PHAOLÔ VI, Diễn văn đọc trong Công Đồng, 4.12.1963: AAS 56 (1964), tr. 37.
5 x. T. GERMANÔ CONSTANTINÔPÔLI, Hom. in Annunt. Deipar„: PG 98, 328A; In Dorm. 2: 357; ANATASIÔ ANTIÔKIA, Serm. 2 de Annunt. 2: PG 89, 1377AB ; Serm. 3, 2: 1388C; T. ANRÊ CRÊTA, Can. in. B.V. Nat. 4: PG 97, 1321B; In B.V. Nat. 1; 821A; Hom. in dorm. 1: 1068C; T. SOPHRÔNIÔ, Or. 2 in Annunt. 18: PG 87 (3), 3237BD.
6 T. IRÊNÊÔ, Adv. H„r. III, 22, 4: PG 7, 959A: Harvey, 2, 123.
7 T. IRÊNÊÔ, Adv. H„r. III, 22, 4: PG 7, 959A: Harvey, 2, 124.
8 T. ÊPIPHANIÔ, H„r. 78, 18: PG 42, 728CD-729AB.
9 T. GIÊRÔNIMÔ, Epist. 22, 21: PL 22, 408; x. T. AUGUSTINÔ, Serm. 51, 2, 3: PL 38, 335; Serm. 232, 2: 1108; T. CYRILLÔ GIÊRUSALEM. Catech., 12, 15: PG 33, 741AB; T. GIOAN KIM KHẨU, In Ps. 44, 7: PG 55, 193; T. GIOAN ĐAMASCÊNÔ, Hom. 2 in dorm. B. M. V., 3: PG 96, 728.
10 x. CĐ LATÊRANÔ, năm 649, điều 3: Mansi 10, 1151; T. LÊÔ CẢ, Epist. ad Flav.: PL 54, 759; CĐ CALCÊĐÔNIA: Mansi 7, 462; T. AMBRÔSIÔ, De instit. virg: PL 16, 320.
11 x. PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, 29.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 247-248.
12 x. PIÔ IX, Tông sắc Ineffabilis, 8.12.1854: Acta Pii IX, 1, I, tr. 616: DS 1641 (2803).
13 x. PIÔ XII, Tông hiến Munificentissimus, 1.11.1950: AAS 42 (1950): DS 2333 (3903); x. T. GIOAN ĐAMASCÊNÔ, Enc. in dorm. Dei Genitricis, Hom. 2 và 3: PG 96, 721-761, nhất là cột 728B; T. GERMANÔ CONSTANTINÔPÔLI, In S. Dei Gen. dorm, Hom. 1: PG 98 (6), 340-348; Hom. 3: cột 361; T. MÔĐESTÔ GIÊRUSALEM, In dorm. SS. Deipar„: PG 86 (2), 3277-3312.
14 x. PIÔ XII, Thông điệp Ad C„li Reginam, 11.10.1954: AAS 46 (1954), tr. 633-636: DS 3913tt.; x. T. ANRÊ CRÊTA., Hom. 3 in dorm. SS. Deipar„: PG 97, 1089-1109; T. GIOAN ĐAMASCÊNÔ, De fide orth., IV, 14: PG 94, 1153-1161.
15 x. KLEUTGEN, bản đã sửa: De Mysterio Verbi incarnati, ch. IV: Mansi 53, 290; x. T. ANRÊ CRÊTA, In nat. Mari„, Sermo 4: PG 97, 865A; T. GERMANÔ CONSTANTINÔPÔLI., In annunt. Deipar„: PG 98, 321BC; In dorm. Deipar„ III, 361D; T. GIOAN ĐAMASCÊNÔ, In dorm. B.V. Mari„, hom. 1, 8: PG 90, 712BC-713A.
16 x. LÊÔ XIII, Thông điệp Adjutricem Populi, 5.9.1895: ASS 15 (1895-96) tr. 303; T. PIÔ X, Thông điệp Ad Diem Illum, 2.2.1904: Acta I, tr. 154: DS 1978a (3370); PIÔ XI, Thông điệp Miserentissimus, 8.5.1928: AAS 20 (1928), tr. 178; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh, 13.5.1946: AAS 38 (1946), tr. 266.
17 x. T. AMBRÔSIÔ, Epist. 63: PL 16, 1218.
18 x. T. AMBRÔSIÔ, Expos. Lc. II. 7: PL 15, 1555.
19 x. PHÊRÔ ĐAMIANÔ, Serm. 63: PL 144, 861AB; GODEFRIDUS A S. VICTORE, In nat. B. M., Ms. Paris, Mazarine, 1002, tờ 109r.; GERHOHUS REICH., De gloria et honore Filii hominis, 10: PL 194, 1105AB.
20 x. AMBRÔSIÔ, Expos. Lc. II,7 và X, 24-25: PL 15, 1555 và 1810; T. AUGUSTINÔ, In Io, Tract. 13, 12: PL 35, 1499; x. Serm. 191, 2, 3: PL 38, 1010; v.v...; cũng xem, T. BÊĐA, In Lc. Expos. I, ch. 2: PL 92, 330; ISAAC DE STELLA, Serm. 51: PL 194, 1863A.
21 Kinh Nhật tụng, Tiền xướng “Sub tuum presidium”, Giờ Kinh Chiều I, Lễ kính Đức Trinh Nữ Maria.
22 CĐ NICÊA II, năm 787: Mansi 13, 378-379: DS 302 (600-601); CĐ TRENTÔ, Khoá 25: Mansi 33, 171-172.
23 x. PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh, 24.10.1954: AAS 46 (1954), tr. 679; Thông điệp Ad c„li Reginam, 11.10.1954: AAS 46 (1954), tr. 637.
24 x. PIÔ XI, Thông điệp Ecclesiam Dei, 12.11.1923: AAS 15 (1923), tr. 581; PIÔ XII, Thông điệp Fulgens corona, 8.9.1953: AAS 45 (1953), tr. 590-591.

 

Tác giả: Ủy ban Giáo lý Đức tin Nguồn: giaolyductin.net