Lặng Nhìn Mẹ Dưới Chân Thập Giá

(Ga 19, 25-27) - Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala....


(Ga 19, 25-27) Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala.  Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà".  Rồi Người nói với môn đệ: "Ðây là mẹ của anh". Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Đọc lại Tin Mừng con thấy Mẹ đâu phải là người chỉ biết im lặng trước mọi biến cố. Nhưng với biến cố dưới chân Thập Giá, Mẹ hoàn toàn khác hẳn trước đó. Lúc Sứ thần truyền tin Mẹ đã đối thoại một cách mạnh mẽ và đầy tự tin để yêu cầu được giải thích những gì Mẹ chưa hiểu: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" (Lc 1,34). Người ta thường nói “im lặng là đồng ý”.  Nhưng Mẹ vẫn lên tiếng để bày tỏ sự đồng thuận. Mẹ thưa  “Xin Vâng”, chưa hết, còn kèm theo những lời diễn tả tâm tình ước nguyện: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38). Rồi khi tới thăm người chị họ Isave, Mẹ đã cất lời chào trước và bày tỏ niềm vui mừng phấn khởi. Sau đó Mẹ còn hát lên bài ca Magnificat (x. Lc 1,46-55). Đặc biệt, biến cố bị lạc con trong Đền thờ, Mẹ cũng đã bối rối, hốt hoảng tìm kiếm. Khi vừa thấy con, Mẹ sửng sốt trách con và nói lên tất cả nỗi lòng của người Mẹ: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" (Lc 2,48).

Qua những biến cố trên đây, con thấy Mẹ đã tỏ ra “rất phụ nữ”! Vậy mà, trước biến cố tàn khốc, đau đớn đến tột cùng này đáng ra Mẹ phải lên tiếng thật nhiều thì Mẹ lại im lặng. Nếu hôm tìm thấy con trong Đền thờ Mẹ đã từng nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha và mẹ như thế?”, thì hôm nay, Mẹ cũng phải nói “Sao các người lại xử với con tôi như  thế?”. Hoặc ít ra Mẹ phải nói với con của Mẹ như hôm đó: “Con ơi, con có biết lòng mẹ đau lắm…?”. Hay Mẹ có thể nói một điều gì đó để an ủi, khích lệ con như bà mẹ Do thái trong sách Ma-ca-bê đã khuyên con mình trước khi chịu tử đạo chứ. (x. 2 Mcb 7, 27-29).  Điều đó rất đẹp và rất chính đáng mà! Nhưng không. Mẹ vẫn im lặng và đứng đó bên cạnh con của Mẹ. Đến nỗi khi Giêsu trăng trối lời cuối liên quan đến Mẹ, Mẹ vẫn lặng im không nói một lời. Các Thánh sử cũng đã không tìm thấy một cử chỉ, sắc thái, điệu bộ nào nơi Mẹ diễn tả tâm tình của một người phụ nữ bình thường vẫn thể hiện. Con tự hỏi tại sao? Con cố gắng nhập cuộc để hiểu nhưng thấy khó quá!!

Lật  lại các sách Tin Mừng, con thấy càng về sau Mẹ càng ít xuất hiện. Con thắc mắc ba năm Chúa Giêsu đi rao giảng, Mẹ ở đâu? Tin Mừng chỉ kể lại có lần Ngài đang giảng, người ta báo có Mẹ và anh em của Ngài đang đứng ở ngoài muốn gặp Ngài. (x. Lc 8, 19-21). Đoạn Tin Mừng này hé lộ cho con thấy và tin rằng không chỉ có lần đó mà còn rất nhiều lần khác nữa, nếu không muốn nói là “Con ở đâu, ở đó có Mẹ”. Như thế trong suốt ba năm Mẹ nghe Lời, nghiền ngẫm, suy đi nghĩ lại trong lòng và Mẹ đã hiểu tất cả. Ba lần Ngài loan báo về cuộc thương khó, nhiều lần Ngài nói xa nói gần về cái chết và Phục sinh, các môn đệ không hiểu nhưng Mẹ hiểu. Mẹ hiểu và Mẹ đã thực sự đón nhận, sống biến cố này trong tinh thần từ lâu lắm rồi, ít là trong ba năm. Đó là chưa nói đến rất lâu trước đó Cụ già Simêon đã nói tiên tri liên quan về Hài nhi Giêsu và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ. (x. Lc 2, 33-35). Vì thế khi biến cố xảy ra về thể lý, về không gian, thời gian…Mẹ không còn ngỡ ngàng và có thể đứng đó, không ngã gục, không khóc lóc, kêu gào đau đớn (…). Biến cố này có thể bất ngờ đối với các môn đệ nhưng với Mẹ thì không. Vì quá bất ngờ, các môn đệ đã hốt hoảng bỏ chạy tán loạn nhưng Mẹ thì không. Nhất là để có thể nhìn người lính lấy lưỡi đòng chọc thẳng vào trái tim con mình, Mẹ đã chuẩn bị đón nhận nhát đâm này ngay từ giây phút Cụ già Simêon tiên báo. Có lẽ vì thế mà khi có người ca ngợi Mẹ vì đã sinh ra và nuôi dạy Ngài, Chúa Giêsu đã nói: “Đúng hơn phải nói rằng phúc thay người lắng nghe và thức hành Lời Chúa.”(Lc 11, 28).

Đến cả Con Thiên Chúa cũng phải trải qua đau khổ để học bài học vâng phục. Là con người, chắc chắn Mẹ không được miễn trừ khỏi điều đó. Trái tim Mẹ hẳn cũng đã nhiều lần nhói lên vì đau; đôi mắt Mẹ chắc không thiếu những lần đẫm lệ; tâm hồn Mẹ cũng từng trải qua những khoảnh khắc xao xuyến, bồn hồi…đúng không Mẹ? Nhưng con tin Mẹ đã gắn nỗi đau và những giọt nước mắt của mình vào Thập Giá Đức Giêsu để cùng Ngài cứu chuộc nhân loại. Xin cho con cũng biết gắn những đau khổ và tội lụy của mình vào Thập Giá Con Mẹ để nhận ơn cứu độ và sinh được nhiều hoa trái tốt lành.

Mẹ ơi, con hiểu rằng Thiên Chúa không bao giờ để cho một điều gì đó xảy ra ngoài sức chịu đựng của bất cứ ai. Mỗi ngày Ngài vẫn gửi tới từng người với nhiều sứ điệp khác nhau. Là Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, ước gì con học được từ Mẹ bài học lắng nghe Lời, suy đi nghĩ lại trong lòng để hiểu, để sống. Chỉ có như vậy con mới có thể đứng vững trước mọi biến cố mà không ngã gục. Và nếu có gục ngã thì vẫn đủ sức để đứng lên, tiếp tục cuộc hành trình như các môn đệ ngày xưa. Amen.

Shalom, FMI.