Sứ vụ FMI loan báo Tin Mừng trên Tây Nguyên

Hãy một lần đặt chân đến nơi đây để cảm nghiệm, để lắng nghe những lời tâm sự đầy chân thành của những “nhà truyền giáo nhỏ bé”.


Có những bước chân thầm lặng...

Có những bước chân đến rồi đi...Để lại những dấu ấn. Vùng đất Tây Nguyên khi chưa một lần đến có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy cái gì đó xa xăm, lạ lẫm và khác biệt. Nhưng khi đến rồi bạn mới cảm thấy cái lạ lẫm, xa xăm đó được rút ngắn bởi những cái gần gũi, bình dị thân thương của con người và cảnh vật. Nơi đây, dấu chân của Thầy Giêsu đã đi qua...

Dấu chân âm thầm của những nhà truyền giáo đi trước gieo những hạt giống đức tin cách âm thầm nhưng mãnh liệt. Giờ đây, mảnh đất Tây Nguyên đã trổ sinh thành những cánh đồng mênh mông cần những thợ gặt lành nghề. Người thợ gặt lành nghề không những phải có kinh nghiệm dày dặn nhưng còn là một thợ gặt biết thao thức, lắng nghe, thấu hiểu, linh hoạt và kiên nhẫn với một trái tim rộng mở cho những nhu cầu của tha nhân. Bóng hình của người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đã thấp thoáng trên cánh đồng truyền giáo thuộc giáo phận Kontum đầy bí ẩn ấy đến nay đã hơn 50 năm. Giáo phận Kontum gồm hai tỉnh: Kontum và Gia-lai là miền đất chạy dọc theo dãy Trường sơn về phía tây của đất nước. Địa thế hiểm trở, rừng núi là chủ yếu, đa số là các đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, biết bao nhiêu thế hệ đi trước đã can đảm dấn bước không biết mệt mỏi cho phần rỗi các linh hồn, cho đời sống đức tin của anh chị em sắc tộc nơi đây, biết bao nhiêu nhà truyền giáo đã hy sinh để có những hạt mầm đức tin lớn mạnh…Những ưu tư cho các trẻ em nghèo không được đến trường, thao thức thay đổi nhận thức cho người dân bởi những hủ tục văn hóa lạc hậu để lại từ ngàn đời trong các bộ tộc không dám đổi thay…

Sự hiện diện của những “bóng hình” Con Đức Mẹ Vô Nhiễm tuy đơn sơ, âm thầm nhưng tạo nên một sự ảnh hưởng thật không hề nhỏ. Theo chân của những chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ở nơi đây, chúng ta dần khám phá những con người bé nhỏ này thật kiên cường và đầy tình yêu với anh chị em của mình khi hiện diện nơi vùng đất này.

Thức dậy từ sáng sớm, những con người nhỏ bé ấy đã dâng tất cả ngày sống cho Thiên Chúa qua những giờ kinh nguyện. Đấng họ luôn yêu mến và tôn thờ rồi họ bắt đầu một ngày sống thật bận rộn với những “thiên thần nhỏ” là những học sinh bán trú. Bữa ăn cho các em thật đơn sơ có khi là cơm, mì tôm, bún trộn…những bữa ăn đó được thêu dệt với tất cả tình thương, sự hy sinh của biết bao người để thao thức cho một thế hệ tương lai có thể hoà nhập văn hoá và theo kịp với thời đại cùng với bạn bè trong một môi trường “kinh hoá”. Cùng với sứ vụ đem “con chữ’ đến vùng xa, thao thức cho sứ mạng giáo dục đức tin và văn hoá để “vẽ vời cho con trẻ biết đàng lên trời” (Đức Cha Chabanon). Những chặng đường mục vụ hàng tuần trong các làng xa, đức tin còn yếu kém. Men theo những con đường hiểm trở vào làng trên các triền núi ngày nắng cũng như ngày mưa. Dẫu đường lắm bụi mờ hay trơn trượt, qua những đồi cao su heo hút dài vô tận, thế mà không gì ngăn cản được những bước chân được chính Đức Kitô thúc bách bởi một trái tim thao thức cho hạnh phúc tha nhân.

Các chị em đến với người dân không để chỉ thăm hỏi mà còn lắng nghe, trò chuyện hay có thể giúp đáp họ điều gì đó nhỏ bé thôi nhưng thật chân tình. Niềm vui và nụ cười luôn có trong các cuộc trò chuyên đơn sơ ấy. Nhìn những gương mặt nhăn nheo nhưng cũng rất chân chất của những người già, những gương mặt hằng lên nỗi vất vả của những bậc làm cha làm mẹ nuôi những đoàn con lúc nhúc nhưng đầy hạnh phúc. Những đứa trẻ vô tư, hồn nhiên tay xách thùng đi mót mủ cao su, tay cầm bao đi nhặt điều, mặt mày lem luốc càng làm tăng thêm nét đặc trưng của vùng đất đỏ bazan thân yêu này. Để cảm thông, sẻ chia cùng họ chị em có gì cho nấy, có khi củ khoai, củ sắn hay là những cây kẹo, gói mì tôm, có khi là những viên thuốc, những lời động viên thăm hỏi…Nhưng thật thắm nghĩa tình. Điều kiện vật chất ở đây còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực còn nhiều hạn chế cả tài chính cũng như cơ sở vật chất. Nhưng tinh thần của những con người với trái tim nhân hậu và kiên cường ấy, chưa bao giờ muốn bỏ cuộc. Họ cảm nhận được một niềm vui đơn sơ, bình dị qua những khuôn mặt tuy thiếu thốn nhưng luôn thể hiện niềm vui rạng rỡ, vô âu lo giữa rừng núi hiểm trở này.

Sứ vụ miền Kontum đầy nắng, gió bụi mờ vẫn còn đó những dang dở đang cần những cánh tay nối dài từ những tấm lòng thiện nguyện, từ những trái tim biết quan tâm và rộng mở cho những nhu cầu của tha nhân. Nếu ai đó, muốn chung tay cộng tác với chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm trên cánh đồng truyền giáo ấy xin hãy đến và cùng chung tay để chúng ta cùng nhau hiệp hành, gặp gỡ, sẻ chia để cuộc đời thêm ý nghĩa, để tha nhân thêm nụ cười, để lòng người thêm rộng lớn và bao dung.

Hãy một lần đặt chân đến nơi đây để cảm nghiệm, để lắng nghe những lời tâm sự đầy chân thành của những “nhà truyền giáo nhỏ bé”. Để nhận ra dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa, để cảm nhận tình người thật sâu sắc và quảng đại trên mảnh đất thân thương này.

Mỗi dấu chân, mỗi cánh tay nối dài là mỗi tâm hồn băn khoăn trăn trở cho cánh đồng thêm màu xanh của niềm tin và hy vọng, cho sự tin tưởng vào ngày gặt bội thu. Cánh đồng truyền giáo vẫn còn đó sự mênh mông vô tận mà người thợ gặt không bao giờ hiểu hết được, cái vô tận của một nền văn hóa đậm đà bản sắc, cái mênh mông của những con người với những truyền thống và những thách thức mà con người ngày nay phải đối mặt trong một thế giới hiện đại gây xáo trộn đời sống tinh thần và vật chất của họ. Giêsu vẫn ở đó hiện diện thật linh thiêng, thật gần gũi bên những tâm hồn kiếm tìm Ngài.

M. Cat. Nguyễn Thị Tâm (Khấn tạm), FMI