Tôi không có nhà để về!

Nhà là nơi để các thành viên trong gia đình sum họp với nhau.


Nhà là nơi để các thành viên trong gia đình sum họp với nhau. Nơi đây, mỗi người được lớn lên và cảm nhận rất nhiều tình yêu thương, đây cũng là điểm tựa mỗi khi gặp khó khăn, thử thách. Có căn nhà hay gia đình là điều mà bao người đang mơ ước.

Tết năm nay đối với tôi thật là một điều tuyệt vời, mặc dù không được sum vầy bên gia đình huyết thống nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Chuyện là sau khi đi lễ giao thừa về, chị em chúng tôi được chị phụ tá học viện gợi ý đi thăm những người nghèo bên vệ đường, những cô chú rong ruổi bán xấp vé số còn lại và cả những con người đang cõng trên lưng mình bao ve chai ít ỏi nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm. Chúng tôi chạy đi tìm họ, hầu mong gặp để có thể chia sẻ một chút gì đó đem lại niềm vui cho những con người đó. Chúng con chào bác!  Sao giờ này, bác vẫn chưa về nhà đón tết ak? Tôi không có nhà để về, đây là nhà của tôi. Số là bác ấy đang mắc võng nằm trên chiếc cầu, bắc qua đường quốc lộ. Không chỉ mình bác ấy, nhưng hầu như những người chúng tôi gặp đều là những người không có nhà để ở, họ lang thang với bao ve chai hay với chiếc xe đạp cũ kĩ, kêu lạch cạch. Những người nghèo tấm thân gầy yếu, những chiếc áo đen thủi và cả mùi hôi của những ngày không có nước để tắm gội. Họ lang thang tìm kiếm ve chai, bán vé số với hy vọng có chút tiền để nuôi sống bản thân cho qua ngày và cả những người cũng vì lo cho con cái đi học, cho người vợ đang lâm bệnh không có tiền để điều trị, cho người chồng không mấy tỉnh táo và bất bình thường… Nhưng họ vẫn sống và hy vọng. Đối với họ, một căn nhà (vật chất, tinh thần) thật quá xa vời. Tối đó, tôi cũng cảm nhận được rằng người bán vé số, họ học cách nhẫn nhục trong lời nói rất nhiều bởi cô ấy chia sẻ “Nhiều khi tôi phải nín khóc, vì mời họ mua vé số mà còn bị họ chửi”. Tôi được hiểu thêm cảm nhận nữa của người nghèo “Tôi phải tranh thủ lượm ve chai ban đêm, vì ban ngày những người hàng xóm đều xa lánh. Họ đều là những người bị người thân của mình loại bỏ nên họ phải đến nơi vùng đất xa lạ này để kiếm sống. Họ quá nghèo, cả về vật chất lẫn tinh thần. Đêm đó, lòng tôi se lại với những hình ảnh tôi được tiếp xúc và gặp gỡ về họ. Tôi thấy tôi nghèo nhưng rất nhiều người khác còn nghèo hơn tôi. Tôi hơn họ bởi tôi có gia đình và rất nhiều điều khác nữa. Tôi cần sống với cái nhìn quảng đại và lớn lao hơn.

Đêm đó, tôi tưởng rằng chỉ có chị em chúng tôi đi tìm kiếm để chia sẻ đem niềm vui cho người nghèo nhưng thực ra, trước mắt tôi còn có những gia đình họ cũng đi trao gửi những món quà, những chiếc bánh chưng, bao gạo và cả những màu đỏ của bao lì xì. Tôi cảm thấy hạnh phúc bởi những tấm lòng quảng đại và cách giáo dục con cái. Họ đưa cho con mình để trao tặng người nghèo. 

Niềm vui được nhận quà, được mừng tuổi với một chút ít ỏi khi chúng tôi trao tặng nhưng tôi nhận ra đằng sau tất cả, họ cảm nhận được niềm vui, tình yêu thương, sự cảm thông, an ủi.

Ngày Xuân, nhà nhà - người người đang sum họp và vui cười hạnh phúc, đầm ấn bên người thân và gia đình của mình. Những người nghèo vẫn còn đó – họ vẫn đang lang thang để tìm chỗ tựa đầu, vẫn đang loay hoay tìm lon bia nơi những thùng rác và cả những người người đang ngồi nhìn về một cõi xa xăm nào đó, trong khi đôi mắt họ đang nặng trĩu và bắt đầu lim dim. Nhưng họ vẫn đang cố tìm kiếm vì mưu sinh, vì tình thế bắt buộc họ phải sống như vậy.

Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và thật ý nghĩa. Tôi không chỉ hỏi thăm, chia sẻ nhưng cũng là cơ hội tôi đã giới thiệu Ông Chúa của tôi cho họ. Đây là lần đầu tiên mà tôi có được cảm nhận rất thánh thiêng này. Tôi không về nhà dịp Tết, nhưng điều đó cũng đủ làm tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn. Tạ ơn Chúa với bao điều kì diệu và tình thương của Ngài dành cho tôi, ước mong tôi biết sống lưu tâm và yêu thương người nghèo, biết quảng đại cho đi nhiều hơn trong đời sống, âm thầm phục vụ và niềm vui vì được Chúa mời gọi sống đời thánh hiến. Tôi học cách cảm thông, bao dung và sẻ chia với bao con người khốn khổ ngoài kia. Họ đang rất cần lời cầu nguyện và cần đến mỗi người chúng ta yêu thương và quan tâm đến họ.

Maria  Lê Nguyệt (Khấn tạm), FMI