Đặc tính của tình yêu

Tình yêu và lòng bác ái luôn phát sinh những điều kỳ diệu. Có tình yêu sẽ có sáng tạo.


Nếu có ai hỏi tôi tình yêu bắt nguồn từ đâu? Tôi xin trả lời, tình yêu bắt đầu từ một trái tim biết sống vì người mình yêu! Trái tim đó biết cho đi mà không hề tính toán. Trái tim đó biết chạnh lòng thương những mảnh đời khổ đau mà họ gặp trong cuộc sống.[1] Trái tim đó khi yêu, họ sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng trao ban, biết đón nhận… đó là đặc tính của tình yêu.

Yêu bao giờ cũng xuất phát từ trái tim, từ nội tâm của con người: Lòng nhân ái không phải là thứ có thể mua được bằng tiền hay là một thứ đồ trang sức mà con người có thể mua sắm hay thủ đắc, nhưng lòng nhân ái luôn phát xuất từ trái tim biết yêu thương của con người, từ chính trong thâm tâm của con người được biểu lộ ra bên ngoài bằng hành động. Thật vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào con của Ngài thì được sống muôn đời.” Lòng nhân từ của Thiên Chúa xuất phát từ trái tim yêu thương con người. Vì yêu nên Ngài đã chạnh lòng thương con người, ban cả Con Một cho thế gian. Tình yêu đó là tình yêu khởi đi từ chính nội tâm của Thiên Chúa muốn yêu con người chứ không vì bất cứ một lý do nào khác. Cũng vậy, trong cuộc sống thường ngày khi chúng ta làm một việc bác ái cho người khác thì hành động đó cũng phải được khởi đi từ sự thương cảm của chúng ta với người ấy, như vậy mới là tình yêu thật sự. Còn nếu chúng ta làm bác ái mà không phát xuất từ con tim, từ tấm lòng thì việc làm đó chẳng qua là để đánh bóng bản thân, để người khác chú ý tới mình mà thôi. Lòng nhân ái và tình yêu của con người dành cho nhau phải chỉ thực sự là tình yêu khi nó được bắt nguồn từ trong chính nội tâm, từ trong con tim của mình. Đó mới là tình yêu đích thực.

Yêu là cho đi mà không tính toán, không đòi đến đáp: Thiên Chúa vì yêu con người nên đã cho Con Một của Ngài xuống thế làm người và Ngài không mong chờ con người đền đáp. Ngài ban Con Một cho thế gian đơn giản vì Ngài yêu thương con người. Ngài không muốn con người phải chết trong tội lỗi, trong đau khổ. Khi một người đi giúp đỡ ai đó vì lòng yêu mến thì họ không bao giờ đòi hỏi sự đền đáp nào hết. Chính Chúa Giêsu cũng đã dạy cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta: “khi anh làm việc bố thí thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”. Có biết bao tấm gương đã thực thi lòng bác ái một cách vô vị lợi mà người đời phải ca tụng như Mẹ Maria Calcuta, cha Maximilian kolbe… và còn biết bao con người khác đã sống được như vậy, trao ban mà không cần đến đáp. Theo U. Gandi “tình yêu không bao giờ đòi hỏi, bao giờ nó cũng tặng hiến. Tình yêu luôn luôn dày vò, khắc khoải nhưng không bao giờ phản kháng và trả thù.”[2] Cho đi mà không tính toán, không đòi đền đáp là đặc tính thứ hai của lòng nhân ái, của tình yêu con người dành cho tha nhân.

Yêu là luôn biết tha thứ cho nhau: Chúa Giêsu là tấm gương tuyệt vời cho chúng ta về sự tha thứ. Ngài tha thứ cho những người đã sỉ vả, vu khống và đánh đập cách tàn nhẫn cho đến chết ô nhục trên cây thánh giá. Chắc chắn nếu không có tình yêu, không có lòng nhân từ với con người thì không thể làm như vậy được. Không những Chúa Giêsu tha thứ cho những người đã xúc phạm Ngài mà Ngài còn xin Chúa Cha tha cho họ nữa. “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì họ không biết việc họ làm.” Hoặc từ kinh nghiệm của cuộc sống đời thường, chúng ta cũng thấy rõ điều đó. Chẳng hạn, khi chúng ta yêu thương một người nào đó thực sự thì chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm, những thiếu sót của họ. Chúng ta cũng sẽ dễ dàng tha thứ cho những lời nói mà họ đã xúc phạm đến mình, làm cho mình bị tổn thương. Lòng nhân ái thực sự nơi một con người đó là người có khả năng biết tha thứ cho anh em của mình. Biết sẵn sàng “chín bỏ làm mười” để đổi lấy niềm vui và hạnh phúc.

Yêu là dâng hiến một cách sáng tạo: Tình yêu và lòng bác ái luôn phát sinh những điều kỳ diệu. Có tình yêu sẽ có sáng tạo. Chúng ta thấy rõ sự sáng tạo phát xuất từ tình yêu của Chúa Cha khi Ngài ban Con Một của mình đến trần gian, để nhờ cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu mà nhân loại được cứu độ. Sự sáng kiến vì yêu đặc biệt được Chúa Giêsu trao ban cho loài người khi Ngài lập nên Bí tích Thánh Thể để ở lại mãi mãi với con người. Bí tích ấy trở thành nguồn mạch nuôi sống linh hồn người Kitô hữu. Trong tình yêu đôi lứa, chúng ta cũng thấy rõ khi yêu rồi, họ sẽ có nhiều sáng kiến để trao ban tình yêu của mình cho người bạn của mình. Chính điều đó làm cho họ không nhàm chán khi ở bên nhau. Trong đời sống thực tế của đồng bào Việt Nam chúng ta, nhờ lòng nhân ái, lòng trắc ẩn đối với anh chị em đồng loại mà có rất nhiều sáng kiến để hỗ trợ nhau trong những lúc khốn khó. Khi đồng bào miền Trung gặp lũ lụt, người ta quyên góp tiền bạc để xây nhà cho người dân trú ngụ, mua lương thực, quần áo, chiếu chăn, gói những đòn bánh tét gửi đến tận tay những con người đang chịu đói chịu rét; hỗ trợ phục hồi nhà cửa và thiệt hại sau những tai họa ấy; có người lại sáng kiến gửi đến đồng bào của mình những tâm tình, những ca khúc, những vần thơ… Hay trong đại dịch covid - 19, có biết bao sáng kiến xuất hiện nào là máy gạo ATM, quán ăn 0 đồng, phát cơm gạo, lương thực miễn phí, giải cứu hoa màu cho vùng dịch, các y - bác sĩ các tỉnh hỗ trợ san sẻ công việc cho nhau… tất cả đều là những nghĩa cử xuất phát bởi tình yêu đối với anh chị em của mình. Ở đâu có tình yêu thì ở đó sẽ có sự sáng tạo. Nếu những việc bác ái mà con người làm cho nhau xuất phát từ tình yêu thực sự thì nó luôn mới mẻ và đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người đón nhận cũng như người trao ban.

Tóm lại, đặc tính của tình yêu đó chính là cho đi một cách tự do và tự nguyện, bởi nó phát xuất từ lòng người, từ trái tim biết rung cảm đối với người khác. Tình yêu ấy được trao ban nhưng không đòi đến đáp, không mang danh vọng. Khi con người có tình yêu thực sự thì con người sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm, yếu đuối của người khác, vì tình yêu luôn xóa tan hận thù. Khi có tình yêu thì luôn có sáng kiến để trao ban và trao ban không mệt mỏi. “Giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn.”[3] Nên khi con người còn có tình yêu thì sẽ luôn luôn trao ban, tha thứ và có sáng kiến.

Nt. Ter Nguyễn Thị Nguyện, FMI


[1] Lm.Jos Tạ Duy Tuyền. Bài ca mới » Tình Yêu Bắt Nguồn Từ Đâu?

     http://www.baicamoi.com/?p=114185

[2] NGUYỄN VINH SƠN. Cơ sở giáo dục nhân bản- Văn hóa Việt nam văn hóa giao thoa Đông tây. Nxb ĐHQG TPHCM. Tr 140.

[3] THÁNH AUGUSTINO. X. NGUYỄN VINH SƠN. Cơ sở giáo dục nhân bản- Văn hóa Việt nam văn hóa giao thoa Đông tây. Nxb ĐHQG TPHCM. Tr 142.