Những bài học từ người nghèo

Họ hạnh phúc với những món quà rất nhỏ, nhiều khi chẳng đáng giá là bao.


Tất cả những sự gặp gỡ đều không phải do tình cờ mà có. Ai đến và đi cũng đều sẽ dạy cho ta những bài học quý giá trong cuộc đời. Cuộc sống này là một sự hỗ tương và chúng ta cần có nhau để duy trì cuộc sống. Nhờ sự tương tác, chúng ta định dạng bản thân mình, biết mình là ai và cần điều chỉnh gì để ngày càng trưởng thành hơn. Thái độ cởi mở và tinh thần học hỏi từ thế giới bên ngoài càng cao thì mức độ trưởng thành của bản thân càng lớn. Càng tinh tế nhận ra những giá trị nơi những người mình tiếp xúc thì ta sẽ thấy cuộc đời này đáng sống biết bao. Ngay cả đối với những người ta tưởng chẳng có thể cho ta điều gì - đó là những người nghèo khổ, áo rách khố ôm - thì nơi họ cũng ẩn chứa những bài học quý giá biết là chừng nào. Vậy những bài học đó là gì?

Bài học đầu tiên đó chính là sự khiêm tốn. Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi người ta đánh giá nhau dựa trên mức độ chệnh lệch của vật chất. Người giàu có về tài sản, chức tước, tri thức, sắc đẹp,… được xã hội thừa nhận và đánh giá cao. Trong khi đó người sinh ra vốn chẳng có vốn liếng gì, lại nghèo về diện mạo, nghèo khả năng, nghèo hiểu biết,…thì phải rất khó khăn để kiếm được chỗ đứng trong cộng đồng. Những quy ước ngầm của xã hội đã làm cho người ta đua nhau tìm kiếm và sở hữu càng nhiều những giá trị vật chất càng tốt, nếu không thì họ cũng sẽ tìm cách che đậy sự thiếu thốn của mình qua những lớp hào quang giả tạo bên ngoài. Vì sĩ diện, họ không bao giờ để cho người khác nhận ra sự nghèo khổ của mình và nếu có ai đó nhã ý giúp đỡ thì họ sẽ lập tức từ chối bởi coi đó là đánh mất tự trọng. Trong khi những người nghèo thực sự, họ khiêm tốn thừa nhận cái nghèo của mình. Bằng chứng là họ can đảm bước đến với người khác, ngỏ lời với người khác và mở lòng với người khác để mong nhận được sự giúp đỡ. Một khi ngửa tay đón nhận trợ giúp của người khác là họ đã dám bỏ đi cái tôi tự mãn và thừa nhận giới hạn của mình. Nhìn lại đời sống của mình với lắm cái nghèo nhưng nhiều lúc tôi lại không can đảm để thừa nhận: nghèo khả năng nhưng ngại đón nhận sự giúp đỡ của người khác, nghèo tình yêu nhưng lại không mau mắn để đón nhận yêu thương, nghèo cách ứng xử nhưng lại tự ái lúc được nhắc nhở, nghèo niềm vui nhưng lại không khao khát kiếm tìm,…Tôi kiêu hãnh trong những cái giới hạn của mình và không muốn ai đụng vào lỗ hỏng sâu thẳm trong tôi. Người nghèo dạy tôi biết khiêm tốn nhìn nhận cái nghèo của mình và sống đúng chữ nghèo Phúc Âm mà tôi đang cam kết.

Bài học thứ hai là thái độ sống biết ơn và bằng lòng với những gì mình có. Đa phần những người nghèo thực sự (trừ một số trường hợp cá biệt) đều có một thái độ rất trân quý khi đón nhận sự giúp đỡ từ người khác, và nếu để ý chúng ta sẽ thấy trên môi họ luôn nói lời cám ơn. Họ hạnh phúc với những món quà rất nhỏ, nhiều khi chẳng đáng giá là bao. Tôi đã thực sự rất xúc động khi có dịp tiếp xúc với các em thiểu số trong tháng hè tôi có dịp đi thực tế tại Tây Nguyên. Chỉ cần thấy bóng dáng chị em tôi ở đàng xa là các em hớn hở kêu nhau tập trung lại. Những món quà mà chúng tôi đem đến cho các em đâu có gì nhiều nhặn, chỉ là vài ba cái kẹo và những cái bánh gạo rất bình thường. Thế nhưng các em bảo nhau xếp hàng rồi lần lượt lên nhận mà không quên nói câu cảm ơn. Những nụ cười hạnh phúc, sự rạng rỡ trên khuôn mặt, sự háo hức chờ đợi của các em khiến tôi phải suy nghĩ. Đối với nhiều người, cái bánh, cái kẹo là những thứ quá bình thường mà họ không thèm đụng tới, nhưng với những trẻ em nghèo này thì đó lại là cả một niềm vui, niềm chờ đợi. Niềm vui nhiều lúc chỉ giản đơn thế thôi. Trong cuộc sống của tôi, nhiều lúc tôi quá đầy đủ để rồi không còn niềm vui nhạy bén với những điều giản đơn. Tôi dễ rơi vào tình trạng bình thường hóa những ân ban mà mình đang được lãnh nhận và dễ đòi hỏi hơn là sống tâm tình biết ơn. Hình ảnh người nghèo lại như một lời nhắc nhở giúp tôi biết bằng lòng với những gì mình có bởi chính điều đó sẽ mang lại cho tôi niềm vui và sự bình an. Một lời tạ ơn đầu ngày sẽ giúp tôi ý thức rằng tất cả những gì tôi có là do ơn huệ Chúa thương ban. Nhờ đó, tôi sẽ mau mắn sống trao ban quảng đại.

Bài học thứ ba là về khả năng chịu đựng của người nghèo. Người nghèo là những nhân vị, họ có khuôn mặt, trái tim và linh hồn. Họ là những anh chị em với những ưu và khuyết điểm của họ, giống như những người khác[1]. Thế nhưng, giữa một xã hội phân chia giai cấp, giàu nghèo lại đặt lên vai họ những gánh nặng của bất công. Nghèo không phải là cái tội nhưng nhiều khi họ lại phải chịu lấy sự khinh bỉ, chê bai, xa lánh và coi thường của người khác. Vì cuộc sống mưu sinh, họ phải chịu đau, chịu khổ, chịu thương, chịu khó, chịu la, chịu mắng,…Để duy trì cuộc sống, họ phải nới giản khả năng chịu đựng của mình và thích nghi với hoàn cảnh. Ca dao có câu: “Người giàu đứt tay không bằng ăn mày đổ ruột”. Quả thế, nhà giàu không quen cực khổ, hễ gặp phải trở ngại sơ sài hay đau ốm chút đỉnh là lo lắng lăng xăng, ngược lại nhà nghèo đã quen dày dạn, họ cũng dần quen với sư thiếu thốn hay những đớn đau. Hình ảnh người nghèo lại nhắc tôi nhớ đến Linh đạo của Hội dòng là “chịu cho vui lòng những sự khó thường ngày thường gặp”. Bước theo Đức Kitô là bước đi trên con đường khổ giá, nên tôi không thể đòi hỏi những gì mang lại sự dễ dãi cho bản thân. Ngược lại, tôi phải chấp nhận một lối sống phiêu lưu, thiếu thốn và nhiều khi cũng lắm chông gai.

Trong cuộc sống hằng ngày, có lẽ không khó để chúng ta bắt gặp những khuôn mặt cơ cực, những hoàn cảnh bi thương, những số phận kém may mắn. Ước mong sao những hình ảnh này không chỉ đụng chạm đến tâm hồn chúng ta trong chốc lát nhưng từ con tim chúng ta bước đến hành động. Khi chúng ta đứng trước một người nghèo khổ, chúng ta không thể ngoảnh mặt đi, vì chúng ta sẽ ngăn cản mình gặp gỡ khuôn mặt của Chúa Giêsu  đức tin dạy chúng ta rằng mọi người nghèo đều là con cái của Thiên Chúa và Chúa Kitô hiện diện nơi họ[2]: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Có thể trước con mắt trần gian người nghèo ít có giá trị, nhưng họ lại là những người mở ra cho chúng ta con đường về trời, họ là thông hành vào thiên đàng của chúng ta”[3].

Maria Thái Thanh (Khấn tạm), FMI


[1] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp ngày thế giới người nghèo năm 2023

[2] nt

[3] ĐTC Phanxicô, Bài giảng trong thánh lễ Ngày quốc tế cho người nghèo trong đền thờ thánh Phêrô sáng Chúa Nhật 19-11-2017