Linh Đạo Truyền Giáo

Loan báo Tin Mừng bao gồm: Truyền giáo: đến với người ngoài Kitô giáo. Mục vụ: cho người đã tin. Tái Phúc Âm hóa: cho người đã lơ...


fffLoan báo Tin Mừng bao gồm:

  • Truyền giáo: đến với người ngoài Kitô giáo.
  • Mục vụ: cho người đã tin.
  • Tái Phúc Âm hóa: cho người đã lơ đạo.

Linh đạo truyền giáo là bao hàm nhiệm vụ truyền giáo thuộc về mọi bậc sống của người Kitô hữu.

 I/ Nền tảng thần học của linh đạo truyền giáo:

1/ Chúa Cha: Ngài vì yêu thương nên có ý định và kế hoạch cứu độ con người, Ngài đã sai Con của Ngài vào thế gian.

2/ Chính Chúa Giêsu là linh đạo tiên khởi, cội nguồn và căn bản nhất, vì Ngài đã khai mở con đường từ Thiên Chúa đến với loài người.

3/ Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc truyền giáo. Chúa Giêsu Nhập Thể làm người trong quyền năng của Ngài và Ngài hoạt động trong Giáo Hội, để đưa công cuộc Loan Báo Tin Mừng đi tới sự viên mãn.

Linh đạo truyền giáo được đặt nền tảng trong Chúa Ba Ngôi. Một linh đạo phát xuất và thể hiện từ TÌNH YÊU trọn hảo. Từ nguồn tình yêu này, người thừa sai cần cảm nhận để trở thành động lực mạnh mẽ nhất đưa họ tiến bước trên con đường truyền giáo.

  1. Các nét chính của linh đạo truyền giáo:

1/ Linh đạo xuyên biên giới: Để thi hành thánh ý Chúa Cha, người thừa sai noi gương Chúa Giêsu dấn thân lên đường vượt qua mọi biên giới bản thân cũng như địa lý, mọi cản trở, mọi thách đố, để đi vào vùng đất mới. Do đó đòi hỏi phải thay đổi lối nhìn, lối sống. Từ đó mới có khả năng hội nhập văn hóa, mở rộng lòng yêu thương đến với người bản xứ.

2/ Linh đạo Kinh Thánh: Người thừa sai phải là “người của Lời Chúa”, phải thấm nhuần Tin Mừng để được hoán cải, nuôi dưỡng đức tin cho chính mình trước thì mới có khả năng chia sẻ cho người khác. Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng ( 1Cr 9, 14).

Kinh Thánh là phương tiện đại kết các Giáo Hội Kitô có chung Lời Chúa, người thừa sai học nơi Chúa Kitô cách rao giảng Tin Mừng qua dụ ngôn, qua các cử chỉ, biểu tượng.

3/ Lấy Đức Kitô là trung tâm:

  • Chính Đức Kitô là trung tâm của việc loan báo Tin Mừng, là điểm tới của công cuộc truyền giáo. Vì vậy, người thừa sai phải nên một với Chúa Kitô qua cầu nguyện, qua bí tích Thánh Thể và có một tương quan thân thiết với Ngài.
  • Đức Kitô là khuôn mẫu cho việc truyền giáo vì Ngài là vị thừa sai đầu tiên của Chúa Cha, là chân dung vẹn toàn của mọi nhà truyền giáo.
  • Tình yêu đối với Đức Kitô là động lực cho việc truyền giáo và giúp cho nhà truyền giáo biết gắn bó với Hội Thánh.

Tình yêu dành cho Chúa Kitô cũng gắn bó người thừa sai với Mẹ của Ngài. Chúng ta học nơi Mẹ gương đức tin, gương môn đệ, gương yêu thương giới thiệu Đức Kitô cho thế gian.

4/ Linh đạo nhập thể và linh đạo tự hủy:

Theo gương Chúa Kitô, nhà truyền giáo cũng sống mầu nhiệm nhập thể và tự hủy.

a/ Mầu nhiệm Nhập thể bao hàm: Nhập thế và nhập Thể.

  • Nhập thế: từ bỏ môi trường tiện nghi, quen thuộc để dấn thân vào môi trường truyền giáo xa lạ.
  • Nhập Thể: người thừa sai không chỉ đến sống mà còn phải ‘Nhập Thể”, tức nên giống anh em bản xứ mọi đàng. Họ phải hội nhập văn hóa đến độ mang lấy những suy nghĩ, lối sống như một thành viên bản xứ để Loan Báo Tin Mừng.

Mẫu gương nhập thể của Chúa Giêsu: “Trở nên giống con người hoàn toàn chỉ trừ tội lỗi”. Điều này chúng ta chỉ có thể làm được trong quyền năng Chúa Thánh Thần.

b/ Linh đạo tự hủy:

Thầy sai anh em như chiên con vào giữa bầy sói” ( Lc 10,3). Để sống được mầu nhiệm nhập thế và nhập thể ấy, người thừa sai phải chấp nhận linh đạo tự hủy theo gương Đức Kitô tự hủy để cứu độ thế giới. (Ph 2,6-11).

5/ Được Thần Khí linh hoạt:

Thừa sai là người của Thần Khí, sống và hoạt động trong Thánh Thần, để Thần Khí dẫn dắt vì Thần Khí là Đấng bao trùm trọn lịch sử, từ sáng tạo, nhập thể đến truyền giáo.

Người thừa sai phải cầu nguyện, chiêm niệm, nhận định luôn để tránh mọi cạm bẫy của sa tan. Nhất là để có thể sống mầu nhiệm Nhập thể vào môi trường Truyền giáo. Tất cả những điều ấy chỉ có thể thực hiện nhờ và trong Thánh Thần. Bởi vì việc truyền giáo là sự bất tương xứng giữa sức lực thừa sai với những thách đố bên trong bên ngoài.

III. Xây dựng Hội Thánh:

1/ Nước Thiên Chúa:

Chính Chúa Giê su đã giảng về Nước Trời và khai mạc thực tại này nơi trần thế (Mc 1,15). Giáo Hội đã lãnh nhận sứ mạng rao truyền và mở rộng Nước Thiên Chúa nơi mọi dân tộc ( GH 5b). Nước Trời phải lớn lên và lan tràn khắp nơi. Đó chính là tác vụ rao giảng Tin Mừng của tất cả tín hữu.

2/ Xây dựng Thân Thể Đức Ki Tô và duy trì sự hiệp nhất:

Đức Kitô là Đầu, là nguồn sự sống, hiệp thông và liên đới của nhân loại mới. Vì thế công đồng Vat.II nhấn mạnh “cần phải làm sao để tất cả những ai đã một cách nào đó, thuộc về dân Thiên Chúa, được gia nhập trọn vẹn vào thân thể duy nhất của Đức Kitô ở trần gian”.

3/ Thời của Giáo Hội:

Chính Chúa Giêsu đã trao sứ mạng này cho Giáo Hội (Mt 28,19-20) và Giáo hội có nhiệm vụ rao giảng cho mọi dân tộc khởi đi từ ngày Hiện Xuống, khi Thần Khí khai mở “thời cuối cùng” và tiếp tục phát triển công cuộc rao giảng Tin Mừng cho đến ngày Chúa quang lâm.

Phương pháp truyền giáo:

Những phương cách truyền giáo nơi Chúa Kitô, các tông đồ, đặc biệt là thánh Phaolô. Chính Thánh Phaolô cũng nhìn nhận rằng ngài đã bắt chước Chúa Kitô (1Cr 11,1). Như thế Chúa Ki tô là mẫu mực tuyệt diệu về phương cách truyền giáo:

1/ Chân dung Chúa Giêsu thừa sai:

  • Xuất phát từ một tình yêu tinh ròng, nên Ngài có lòng thương cảm đối với mọi người khi Ngài gặp gỡ họ.
  • Người làm tất cả vì thiện ích phần xác (hóa bánh, chữa bệnh ) và thiện ích phần hồn ( an ủi, tha tội ).
  • Xuyên biên giới, kiên nhẫn, đối thoại, thẳng thắn, tôn trọng chân lý: khi nói chuyện với thiếu phụ Samari bên bờ giếng (Ga 4).
  • Thông cảm, kiên trì soi sáng và dẫn dắt hai môn đệ Emmau mất đức tin. ( Lc 24)
  • Ngài tôn trọng niềm tin của người khác, ca ngợi niềm tin của dân ngoại.
  • Tinh thần đại kết: không chấp nhất phải thờ trên núi này hay trên núi kia, nhưng thờ trong Thánh Thần và trong sự thật. ( Ga 4)

2/ Các phương pháp truyền giáo:

a/ Hội nhập văn hóa: đến với lương dân.

  • tôn trọng nét độc đáo, các giá trị của mỗi nền văn hóa.
  • đưa đức tin thấm nhuần văn hóa, “ rửa tội” cho các giá trị văn hóa.
  • Chọn con đường truyền giáo “men trong bột” của mầu nhiệm nhập thể.

b/ Đối thoại: trong tương quan với các tôn giáo khác.

  • Với thái độ cởi mở, lắng nghe, thân thiện. Không đe dọa, áp đặt trên người khác.
  • Chỉ khiêm tốn trình bày niềm tin của mình. Kiên nhẫn chờ đợi Thánh Thần mở lòng họ, và phải tôn trọng tự do tín ngưỡng trong lương tâm mỗi người.
  • Có nhiều cách đối thoại ( theo FABC).
  • Bằng cuộc sống hòa bình, hòa hợp.
  • Bằng việc cộng tác trong công tác bác ái xã hội.
  • Bằng cầu nguyện, chia sẻ thiêng liêng.
  • Bằng đối thoại trí thức nhắm đến chân lý + hiệp nhất.
  • Đối thoại liên tôn là sự đại kết mở rộng với các tôn giáo lớn. sự đối thoại này cũng theo những nguyên tắc của đại kết.

c/ Đại kết với các Giáo Hội Kitô:

  • Khiêm tốn, thẳng thắn nhìn nhận những lỗi lầm quá khứ của Giáo Hội, đã làm cho Thân Thể Chúa Kitô bị “chia năm xẻ bảy”.
  • Lắng nghe và cùng xây dựng lại sự hiệp nhất từ những nền tảng chung như : Kinh Thánh, Phụng vụ, Tu đức.
  • Sau đó cùng giải quyết những bất đồng về tín lý như: Bí tích Thánh Thể, quyền Thánh Chức, Tính Tông Truyền của các Giáo Hội, vai trò và niềm tin vào Đức Maria.
  • Phải chấp nhận có những vấn đề không thể hòa hợp được. Lý tưởng đại kết là xây dựng lại “ sự hiệp nhất trong đa dạng”.

Truyền giáo và phát triển xã hội:

  • Mục tiêu trước hết và trên hết của truyền giáo là lãnh vực đức tin. Phải có đức tin mới truyền đạt cho người khác được. Tuy nhiên, khi làm việc với con người, việc truyền giáo đụng chạm đến “con người toàn diện”, từ đó nảy sinh những chức năng phụ đi kèm.
  • Việc truyền giáo sẽ đảm nhận cả các phương diện sau, khi chúng phục vụ cho việc thăng tiến đức tin. Các lãnh vực đó là:
  • Văn hóa – giáo dục – y tế.
  • Công bằng xã hội…

Các phương pháp trên cần được phối hợp với nhau để tạo nên một sức đẩy cho việc truyền giáo của thời đại mới.

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Tin Mừng đến với người khác từ bên ngoài vào.

“Chính anh em là muối cho đời” (Mt 5,13). Tin Mừng thấm nhập từ bên trong con người.

Madalena Thơm - FMI