Giàu - nghèo và những nghịch lý

Giàu hay nghèo chỉ là hạn từ nói lên mức độ sở hữu về vật chất, nhưng giàu hay nghèo thực sự còn hệ tại ở thái độ và cách chúng ta bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mỗi người.


Trong một lần đi tìm mua lúa (thóc) làm thực phẩm để chăn nuôi, sau khi tìm đến nhiều gia đình hỏi mua không được, tôi bèn gọi cho một gia đình trong giáo điểm. Hỏi thăm tình hình vụ mùa khi thu hoạch mới được biết gia đình chỉ làm được tầm 5 – 7 bao lúa, nhưng khi tôi ngõ ý nhờ mua lúa giúp cho mình tôi rất ngạc nhiên với thái độ và những lời của anh:

  • Dì ơi, dì cứ để đó gia đình con gặt lúa rồi để lại cho các dì một ít, chúng con có sức khỏe để làm việc mà, hết lúa thì chúng con đi làm thuê kiếm tiền mua cũng được ạ.

Trên đường đi vào làng, nhìn thấy một cô trong giáo xứ đang đứng bên chiếc xe tải lớn đang chất những bao hạt điều lên xe, gia đình cô là đại lý thu mua và cũng có nhiều rẫy điều, cà phê. Tôi dừng xe lại hỏi thăm sức khỏe, rồi hỏi:

  • Năm nay thu hoạch được nhiều không Cô?

Cô nói giọng than thở:

  • Không dì ơi, năm nay thu được ít lắm, không bằng năm ngoái dì ạ.

Tôi đùa: Hạt điều chất cả xe tải lớn thế kia mà ít gì?

  • Nhiêu đó đâu có nhiều đâu dì!!!

Cũng không ít lần khi đi thăm viếng, hay được hỏi thăm, tôi nhận được những câu trả lời rất khác nhau của những hoàn cảnh không đồng nhất. Các anh em trong các buôn làng thường có thái độ vui mừng, nhưng anh chị em làm ăn khá hơn lại thường hay than thở hơn.[1]

Tạm gác lại những ngày tháng rong ruổi nơi các buôn làng và sứ vụ, tôi được trở về Nôi Mẹ Dòng để tĩnh tâm, bồi dưỡng và học tập. Được lắng nghe nhiều chia sẻ thực tế của chị em ở khắp mọi miền, những thao thức, suy tư, cảm nhận tại mỗi nơi chị em được sống và phục vụ đem đến cho tôi nhiều suy nghĩ. Những giây phút được trầm lắng để suy tư, tôi lại nghĩ đến câu chuyện trên và hình ảnh của những con người nơi tôi đã từng phục vụ, đã gởi lên trong tôi suy nghĩ: ở đời có nhiều điều nghịch lý giữa người giàu và người nghèo thật!

Nghịch lý trong cách đón nhận

Không phải chỉ có nơi vùng Tây Nguyên mới có người nghèo, chắc chắn là thế. Cũng không hẳn ở Tây Nguyên mới có anh em sắc tộc. Nhưng, nhìn chung nơi đó con số của anh em đồng bào thiểu số là số đông, và sứ vụ của tôi cũng được gần gũi với họ thường xuyên. Thế nhưng thái độ của họ đối với cái nghèo, sự thiếu thốn cơ bản về vật chất, lẫn những cơ hội trong cuộc sống… là một sự đón nhận trong an vui. Mặc dù, cuộc đời của họ trải dài với núi rừng, nương rẫy, con heo, con gà… bữa ăn hằng ngày đạm bạc, đơn giản, thiếu trước hụt sau hoặc không đủ chất, mà họ vẫn vui. Tôi thấy một sự ngạc nhiên nơi những em bé từ sơ sinh đến tuổi thiếu thời, nụ cười luôn ở trên môi các em. Khuôn mặt tươi vui, hồn nhiên đến lạ. Bên cạnh đó, những người lớn dù đang ở độ tuổi nào, cũng có thái độ sẵn sàng chia sẻ hoặc đóng góp những khi được mời gọi. Nhà có cây trái gì nếu có thể san sẻ được họ luôn chia sẻ cho hàng xóm, thân nhân, bà con, bạn bè, thậm chí người làng khác đến xin họ cũng cho.

Với câu chuyện được nhắc đến ở trên, hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược trong cách đón nhận những gì họ hiện có. Thực tế, rất nhiều gia đình trong giáo xứ tôi đến thăm, ít khi họ tỏ thái độ bằng lòng, mà luôn có sự ca thán trong lời kể về kinh tế hay thu hoạch vụ mùa nếu được nhắc đến. Chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên khi nghe những điều này. Tuy chỉ là những nhận định của cá nhân, nhưng thiết nghĩ nếu mình biết đón nhận với những gì hiện có, và thấy được ân ban của Chúa cho mình trong cuộc sống thì chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Nếu không, dù có ngồi trên một núi tài sản nhưng lòng vẫn không thấy đủ, thì thật là bất hạnh.

Nghịch lý trong tinh thần chia sẻ

Càng tiếp xúc với anh chị em đồng bào tôi nhận ra một đức tính nổi bật nơi họ đó là sự quảng đại. Không hẳn giàu có dư thừa mới có thể cho đi hay chia sẻ, nhưng chỉ cần họ có, dù ít hay vừa đủ họ cũng sẵn sàng chia sẻ. Những em bé có bố mẹ đi làm rẫy cả ngày không ai nấu cho ăn, hay trong nhà không có gì để ăn liền được, thì đến bữa các em cứ đến nhà hàng xóm và họ sẽ cho ăn. Họ có gì ăn các em cũng sẽ ăn những thức đó như gia đình họ vậy. Tôi thấy điều này thật là quý giá nơi cách san sẻ của anh chị em đồng bào mà hiếm khi có ở đại đa số chúng ta. Không khi nào họ để cho chúng tôi phải ra về tay không khi đến thăm viếng họ: nải chuối, ít khoai lang, vài quả ổi, có khi họ cho cả vài lon gạo… đó là tất cả đối với họ, hoặc là thứ gắn liền với cuộc sống của họ như cái gùi.

Bên cạnh nhiều tấm lòng hảo tâm, quảng đại sẵn sàng chia sẻ vật chất với số lượng lớn cho việc bác ái, thì còn có rất nhiều sự tính toán, ngại cho đi, thiếu sự sẵn sàng nơi nhiều người khi được kêu gọi đóng góp cho các công việc chung, cho các chương trình tình thương… mặc dù tiền bạc không thiếu, nhưng bớt đi một phần nhỏ là điều vô cùng khó khăn. Nghe thì có vẻ tiêu cực khi đánh giá như vậy, nhưng đó là thực tế nhiều lần tôi đã từng được nghe, được chứng kiến. Không phải chỉ có người lớn, nhưng ngay cả các em nhỏ cũng không được giáo dục điều này từ trong gia đình.

Nghịch lý: giàu mà nghèo, nghèo nhưng lại giàu

Sự thật đôi khi chúng ta đang có rất nhiều của cải, nhưng lại bị lệ thuộc vào đó như một phần của cuộc sống và không thể thôi âu lo. Có một chiếc xe máy mới, đi nhiều sợ nó hư, trầy xướt. Có một chiếc Iphone 6, lại ao ước cái Iphone 7 và cứ thế… Mang một chiếc áo hàng hiệu thì sợ bị vấy bẩn, đi một đôi giày đắt tiền thì sợ đứt… Chính vì lo sợ nó hư, nó trầy, nó bẩn, nên chúng ta thường mất thời gian nhiều để giữ gìn, giặt ủi, lau chùi, nâng nui, sợ mất trộm… Cái vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại, và lại làm chúng ta mất bình an.

Ngược lại, trong cái nghèo, chúng ta lại nhận ra được một sự ung dung tự do, thoải mái. Thức ăn có thể không ngon, của cái có thể không có, nhà ở có thể không bề thế, sang trọng… Tuy nhiên, họ có thể có một giấc ngủ ngon vì không cần canh trộm, lo lắng ngày mai đồ hiệu đã lỗi thời, ăn uống gì cho sang…

Chắc hẳn còn rất nhiều điều nghịch lý giữa GIÀU VÀ NGHÈO, nhưng tôi chỉ xin đơn cử một vài nghịch lý mà tôi thường xuyên đụng chạm đến và gặp phải. Từ những hình ảnh rất thực tế đó đã đem lại cho tôi cái nhìn vào cuộc sống được thay đổi. Những biến chuyển dù rất nhỏ xảy ra nơi chính nội tâm, ở cách đón nhận, trong thái độ trước những biến cố xảy ra trong cuộc sống làm cho tôi thấy mình hạnh phúc hơn, bình an hơn. Giàu hay nghèo chỉ là hạn từ nói lên mức độ sở hữu về vật chất, nhưng giàu hay nghèo thực sự còn hệ tại ở thái độ và cách chúng ta bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mỗi người.

Maria Như Ý (Khấn tạm), FMI


[1] Người viết không có ý phân biệt, nhưng chỉ trên quan điểm cá nhân và thực tế được cảm nhận riêng của người viết mà thôi.