Truyền giáo - Con đường khúc khuỷu...Nhưng thánh thiện

Các tín hữu Công giáo vốn luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu thường ngày của tha nhân một cách hiệu quả và tham gia đóng góp cho thiện ích chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước mình.


Trong một buổi chiều Chúa nhật tôi có cơ hội lần bước từ cộng đoàn Nước Ngọt vào tới lăng Tử đạo của cha thánh Tống Văn Vĩnh và 44 vị thánh tử đạo, một suy nghĩ chợt đến trong tôi

  • Truyền giáo là gì?
  • Tại sao con đường này ít ai dám đi qua?

Khi liên tưởng đến các vị thánh đang an giấc tại lăng Tử đạo mà tôi đang trên đường đến viếng nơi này, một suy tư chợt thoáng qua trong tôi “làm sao với trí khôn con người mà chúng ta có thể giải đáp nổi con đường của Đấng Tạo Hoá được, khi mà ngôn sứ Isaia đã nói: “Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cao hơn tư tưởng các  ngươi bấy nhiêu”.

Tôi còn nhớ, có lần tình cờ lướt qua trang https://hdgmvietnam.com/ thì một định nghĩa tuyệt vời để giải đáp cho những thắc mắc của tôi như sau “Truyền giáo là nỗ lực hoạt động của mọi thành phần Kitô hữu, sau khi tự bản thân họ nhận thức được chân giá trị của Niềm tin nơi ánh sáng đạo lý Kitô giáo và muốn thông đạt những gì đã được lãnh nhận do Hồng ân Đức tin quý báu ấy. Thật may mắn cho tôi khi Chúa thương chọn gọi tôi sát cánh bên Ngài trên con đường truyền giáo bằng hồng ân thánh hiến trong Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Với 18 năm bước trên con đường này với bao biến cố thăng trầm trong ơn gọi mà tôi vẫn vững bước đến ngày hôm nay chỉ một mục đích “bước theo sát một Đức Kitô khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời”. Vâng, Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi đã đi con đường này hơn 2023 năm trong thân phận là một vị Thiên Chúa. Thế nhưng, Ngài chỉ có 33 năm trong thân phận phàm nhân, mà trong đó có tới 30 năm ẩn dật và chỉ được 3 năm công khai rao giảng cho mọi người biết Thiên Chúa là tình yêu.

Tại sao vậy? Phải chăng Chúa đang muốn chất vấn tôi về về một vấn đề gì đó! Hay là những tội lỗi, sự vô tâm của con người dành cho Đấng Tác Tạo!.

Nhìn lại hành trình sống ơn gọi với sứ mạng Loan báo Tin Mừng của Giáo hội nói chung, và cách riêng là bản thân tôi thì con đường này nếu không có Hồng ân Đức Tin thì sẽ chẳng mấy ai đi. Vì, khi nhìn về lịch sử dân Thiên Chúa, gần gũi nhất là lịch sử giáo phận Huế. Bao nhiêu biến cố thời bách hại các Kitô hữu dẫn đến gia đình ly tán, chế độ phân sáp, lăng trì tùng xẻo… những hình phạt thật đáng ghê sợ mà con người dành cho con người, thì chúng ta không thể chân nhận một sự thật là con đường này sẽ chẳng mấy ai đi. Tôi vẫn thường ví rằng, con đường truyền giáo đầy những ghồ ghề, khúc khuỷu. Chính vì thế, trên con đường này vẫn thường xuyên xảy ra những tai nạn đáng sợ, đáng thương, hay đáng tiếc do con người gây ra cho nhau. Thế nhưng, tôi khẳng định rằng đây là con đường Thánh Thiện. Bởi chỉ có những ai Chúa ban cho Hồng ân Đức Tin thì họ mới có thể đi trọn vẹn con đường này.

Lần về trang sử của Giáo xứ Nước Ngọt, tôi thấy trong đó có viết: “Theo dòng thời gian hơn nửa thế kỷ trôi qua, mọi người lương giáo ở tại vùng Nước Ngọt, Lộc Thuỷ, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế không ai không biết đến hai vị tiền bối khả kính là Linh mục Raphaël Fasseaux (Cố Phương, Hội Thừa sai Paris) và Nữ tu Anna Đỗ Thị Uyển (O Benoîte, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm). Đây là hai nhà truyền giáo đã khó nhọc và dày công khai sáng, ươm mầm và xây dựng đức tin cho vùng Nước Ngọt. Đồng thời cũng là ân nhân cứu khổ, cứu nạn cho cư dân bản địa trong thời gian khó khăn chiến tranh đầu thế kỷ 20”. Tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa vì về hai bậc vĩ nhân này, đã không quản ngại bước những bước chân thấm đẫm gian lao - khó nhọc thuở đó, để đổi lấy cho tôi những bước chân an lành trên một con đường thênh thang của vùng đất Nước Ngọt ngày hôm nay. Chỉ với 3 năm hiện diện nơi đây thôi, lòng tôi vẫn luôn dâng trào nỗi niềm, tôi nhớ lắm, tri ân lắm…

  • Về Cha Cố Fasseaux, một con người đã tiên liệu trước về mọi mặt, đặc biệt là một cơ sở đất đai đủ rộng để xây cất nhà cửa dành tiêng cho các nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm phục vụ các sứ mạng riêng biệt như giáo dục các em trường Mầm non, Khuyết tật, Nội trú Mai Linh….
  • Về Quý Chị tiền bối và cách riêng là Chị Anna Đỗ Thị Uyển (hay còn gọi là O Benoîte). Giờ đây, khi đến thăm các ông già bà lão nơi đây. Tôi bước vào nhà họ sau khi chào hỏi giới thiệu… thì kế đó cho đến hết câu chuyện là kể về O Benoîte, một con người từng gồng gánh những thực phẩm, thuốc thang… để giúp họ trong cơn túng ngặt của thời chiến tranh, bách hại đẫm máu và đầy dẫy những con người đói kém ngày xưa. Và rồi, tôi nói gì với họ! Tôi nghĩ gì về người chị của tôi! Tôi chỉ biết lắng nghe, lắng nghe… và lắng nghe họ, để thâu lượm những kinh nghiệm đau thương mà họ từng trải, để chắt lọc những tinh hoa truyền giáo của Chị và làm bài học cho tôi. Tôi cũng thú nhận, là tôi thấy tự hào về người chị của mình, dù tôi không thốt ra lúc đó nhưng từ trong thâm tâm vẫn dâng trào lòng thán phục.
  • Tôi xin chia sẻ một câu chuyện nhỏ, một chiều Chúa nhật nọ tôi gọi hai em học trò mẫu giáo không theo đạo tới cùng hai chị em chúng tôi đi thăm viếng. Khi chúng tôi bước vào nhà của một bà già neo đơn, thật không may bà bị gãy một chân. Chúng tôi bước vào, với sự đơn sơ, dễ thương kèm theo khả năng trời ban các em nói chuyện, múa và hát … làm cho bà phấn chấn tinh thần và không ngớt lời khen ngợi sự dễ thương của các em. Lúc này tôi tự hỏi, không biết chị em tôi hay là hai em nhỏ ngoại đạo mới là người đem Tin Mừng đến cho bà đây...

Giờ đây, khi bản thân tôi bước tiếp những bước chân của các nhà Truyền giáo trên mảnh đất được gọi là cái nôi của Phật giáo, tôi mới cảm thấu được phần nào thách đố, gian lao các ngài đã băng qua. Tạ ơn Chúa, bởi tất cả những gì nơi đây đang làm cho tôi xác tín hơn trong lời mời gọi của Mẹ Fatima:

  • Cải thiện đời sống
  • Lần hạt Mân Côi
  • Tôn sùng Trái Tim Mẹ

Vâng, chúng ta đang cùng hiệp hành với Giáo hội bước vào tháng Mân Côi với tất cả sự ý thức để thực thi lời Mẹ nhắn nhủ. Nhưng đồng thời, Giáo hội cũng rất cần đến chúng ta trong những lời cầu nguyện, hy sinh, tay mân mê tràng chuỗi nhiều hơn để chúng ta hiệp ý khẩn nài tha thiết ơn Chúa xuống trên Giáo hội qua lời bầu cử của Mẹ Fatima trên con đường truyền giáo. Tuy nhiên, trước biến cố Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới khai mạc ngày 04/10/2023, thì những lời mời gọi tha thiết của đấng kế vị Thánh Phêrô không chỉ cho các thành viên tham gia Thượng Hội Đồng, nhưng là toàn thể thành phần dân Chúa trên khắp hoàn cầu rằng “Giáo hội cần thực hiện một bước tạm dừng”. Bước dừng này là để toàn thể Giáo hội lắng nghe, điều này tự nó đã trở nên thông điệp quan trọng nhất.” Vâng, lúc này đây tôi cảm nghe được toàn thể Giáo hội đang bước vào cõi thinh lặng để hiệp ý với Đức Thánh Cha trong lời kêu gọi mọi người làm việc hãm mình, ăn chay trong thời gian diễn ra Thượng Hội Đồng. Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta hãy cùng hiệp ý với Vị cha chung đáng kính để khẩn cầu Thiên chúa ban Thánh Thần Phục Sinh xuống trên Thượng Hội Đồng. Qua những lời kinh râm ran trên môi miệng của các ông già bà lão tới một em thiếu nhi “cầu cho Thượng Hội Đồng” khắp nơi đây đó trên hoàn vũ vẫn đang nối tiếp nhau khẩn cầu cho Giáo hội. Cách đặc biệt, “hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”, khi mà chúng ta những người con đất Việt may mắn được Đức Thánh Cha yêu thương, nhắn gửi cách đầy ưu ái trên con đường Truyền giáo:

Anh chị em tại Việt Nam thân mến, các tín hữu Công giáo vốn luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu thường ngày của tha nhân một cách hiệu quả và tham gia đóng góp cho thiện ích chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước mình; anh chị em được mời gọi thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu là trở thành “ánh sáng của thế gian và muối của đất” để “ánh sáng của các con chiếu tỏa trước mặt thiên hạ để họ thấy những việc làm tốt lành của các con và tôn vinh Cha các con trên trời” (Mt 5,16)Tôi nài xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn anh chị em, để trong cuộc sống và trong các tương quan với chính quyền dân sự và với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay văn hoá, anh chị em biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giêsu, để tôn vinh Thiên Chúa. (su-diep-duc-thanh-cha-goi-cong-doan-cong-giao-viet-nam ngày 29/09/2023).  

Ước mong sao, những tâm tình của Vị cha chung khả kính sẽ giúp cho chúng ta với ơn của Chúa để mỗi người Kitô hữu mãi là “ánh sáng của thế gian và muối cho đời”. Trong mọi hoàn cảnh thăng hay trầm của sứ mạng truyền giáo, chúng ta vẫn cảm nghe được những tình yêu Thiên Chúa qua những tâm tư tình cảm của Đức Thánh Cha Phanxicô đang nói rất riêng tư với mỗi người “Tôi mong muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi trong Chúa Kitô với tất cả các nhà truyền giáo nam nữ trên thế giới, đặc biệt là với những người đang chịu đựng bất kỳ loại khó khăn nào. Các bạn thân mến, Chúa Phục Sinh luôn ở cùng các bạn. Người nhìn thấy lòng quảng đại của các bạn và những hy sinh mà các bạn đang thực hiện cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng ở những vùng đất xa xôi. Không phải ngày nào trong cuộc sống của chúng ta cũng thanh thản và trong sáng, nhưng chúng ta đừng bao giờ quên lời Chúa Giêsu nói với các bạn hữu của Người trước cuộc Khổ nạn của Người: “Trong thế gian, các con sẽ gặp những gian truân, nhưng hãy can đảm lên: Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33).

Nt. Maria Nguyễn Thị Hải, FMI